27/03/2025 - 08:41

Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực XIV:

Tăng trưởng tín dụng đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên 

Ði vào hoạt động với địa bàn quản lý gồm 5 tỉnh, thành phố kể từ đầu tháng 3-2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khu vực XIV đã nhanh chóng ổn định tổ chức và tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Ðó là quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), triển khai các chương trình tín dụng ưu tiên, kiểm soát nợ xấu và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Chia sẻ về các định hướng và giải pháp của NHNN khu vực nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế khu vực, ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc NHNN khu vực XIV cho biết:

- Theo Quyết định 34/QÐ-NHNN của Thống đốc NHNN, NHNN khu vực XIV bao gồm 5 tỉnh và thành phố là TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Vĩnh Long. Sau khi có quyết định thành lập NHNN khu vực XIV, việc đầu tiên là chúng tôi đưa bộ máy mới đi vào hoạt động để không ách tắc công việc. Ngay từ đầu tháng 3-2025, NHNN khu vực XIV đã triển khai chuyển đổi dữ liệu đầy đủ và đi vào hoạt động kịp thời. Từ hoạt động thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ ngân quỹ, các hoạt động giám sát, thanh tra và quản lý triển khai các chương trình tín dụng đều diễn ra thông suốt và trôi chảy. Về công tác nhân sự, theo chỉ đạo của NHNN Trung ương, một số nhân sự còn ở lại tại địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển tiếp. Còn lại hầu hết các phòng nghiệp vụ đã trở về trụ sở chính của NHNN khu vực XIV tại TP Cần Thơ và triển khai làm việc bình thường.

Với việc mở rộng địa bàn hoạt động, NHNN khu vực XIV sẽ làm gì để tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của các TCTD trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố?

- Ðối với các tỉnh, thành phố, hoạt động của NHNN khu vực nhập về một đầu mối, nghĩa là tập trung tinh gọn bộ máy và chỉ tập trung vào con người và địa bàn hoạt động. Còn tất cả các nhiệm vụ về quản lý các TCTD và các hoạt động triển khai các chương trình tín dụng đều vẫn diễn ra thông suốt như trước đây. Nghĩa là chúng tôi vẫn quản lý và hỗ trợ kịp thời cho các TCTD trong khu vực hoạt động ổn định. Ngay cả đối với việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo, NHNN khu vực vẫn duy trì thông tin báo cáo cho Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố và Ðoàn Ðại biểu Quốc hội các địa phương về tình hình hoạt động của ngành ngân hàng trên địa bàn và cùng đồng hành vào quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Trên địa bàn NHNN khu vực XIV quản lý 1 hội sở chính của ngân hàng Vietbank tại tỉnh Sóc Trăng cùng 142 chi nhánh NHTM và 32 quỹ tín dụng nhân dân. Ðến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng của địa bàn khu vực XIV khoảng 387.000 tỉ đồng, tăng khoảng 1,46% so với đầu năm 2025. Kế thừa hoạt động của NHNN các chi nhánh tỉnh, thành phố, hoạt động tín dụng của khu vực cũng giống như từ trước đến nay là tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên. Thứ hai, là triển khai chương trình thí điểm cho vay để thực hiện Ðề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030" theo Quyết định số 1490/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ðồng thời trên địa bàn khu vực có 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu tiếp giáp biển và có chương trình tập trung cho vay thủy sản, đánh bắt xa bờ. Ðến nay các chương trình tín dụng tăng trưởng đúng hướng, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn và thủy sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong khu vực.

NHNN khu vực XIV có chỉ đạo gì đối với các TCTD trên địa bàn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN? Việc triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng hiện nay được triển khai ra sao, thưa ông?

- Hiện nay, tất cả các chương trình tín dụng và hoạt động dịch vụ tín dụng của NHTM trên địa bàn khu vực đều vẫn diễn ra như trước đến nay. NHNN khu vực vẫn triển khai chỉ đạo NHTM trên địa bàn tiếp tục giảm chi phí và rà soát lại tất cả những thủ tục, hồ sơ vay vốn theo hướng rút gọn nhất có thể để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp. Thứ hai là chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, duy trì Tổ hỗ trợ doanh nghiệp, để khi doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc đều được trả lời đầy đủ, thỏa đáng. Thứ ba là tập trung vào các chương trình tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại khu vực ÐBSCL, thực hiện hiệu quả Quyết định 1490/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai thí điểm trong năm 2025 để đảm bảo chương trình này đi vào cuộc sống…  Ðặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 21/CÐ-TTg ngày 4-3-2025 về điều hành đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường thế giới và trong nước; Công văn số 1595/NHNN-TD, ngày 5-3-2025 của NHNN về việc đề nghị các NHTM, NHNN chi nhánh khu vực XIII, XIV, XV chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, tiêu thụ lúa gạo trong năm 2025, NHNN khu vực đã triển khai kịp thời đến các NHTM trên địa bàn. Ðến nay dư nợ cho vay các chương trình nông nghiệp và cho vay xuất khẩu lúa gạo đã tăng rất đáng kể. Qua đó kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, chế biến, thu mua tạm trữ và xuất khẩu gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ đông xuân 2025 tại các tỉnh khu vực ÐBSCL.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kiên Long Chi nhánh Cần Thơ.

Xin ông cho biết, trong năm 2025, NHNN khu vực XIV sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào và có các giải pháp gì để đạt được các mục tiêu đề ra?

- NHNN khu vực XIV sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8-1-2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Chỉ thị số 01/CT-NHNN, ngày 20-1-2025 của Thống đốc NHNN, về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025. Trong đó tập trung thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2025, góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối của nền kinh tế. Về định hướng chung là phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm 2025, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Ðối với NHNN khu vực XIV, tùy theo từng lĩnh vực và tình hình cụ thể của mỗi địa phương, mỗi TCTD sẽ có khác biệt về con số cụ thể nhưng sẽ phải phấn đấu chung là đạt được mục tiêu đề ra. Qua đó góp phần hỗ trợ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ là phải đảm bảo tăng trưởng 8% trong năm 2025. Trong đó, chúng tôi đánh giá tín dụng là một trong những kênh có thể hỗ trợ tăng trưởng tốt nhất.

Thứ hai là tiếp tục thực hiện đề án xử lý nợ xấu và củng cố TCTD. Các TCTD phải chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để kiểm soát, xử lý nợ xấu, đảm bảo hoạt động an toàn và tăng trưởng tín dụng, nhưng đồng thời kiểm soát được nợ xấu và đảm bảo cho dòng vốn luân chuyển bớt rủi ro hơn. Thứ ba nữa là phải đào tạo đạo đức công chức, người lao động trong ngành ngân hàng, cán bộ tín dụng, làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chuyển đổi số là một lĩnh vực được ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm. Vì thế, các TCTD trên địa bàn khu vực XIV cần tiếp tục chú trọng ứng dụng công nghệ nhằm hạn chế rủi ro trên không gian mạng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện nhất. Chúng tôi luôn xác định chuyển đổi số ngành Ngân hàng là mục tiêu hàng đầu trong những năm qua cũng như hiện nay và trong tương lai. Vì thế, các NHTM cần chú trọng vào đào tạo nhân sự và xây dựng các chương trình chuyển đổi số sao cho hoạt động này diễn ra an ninh, an toàn, nhanh chóng và hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

MINH HUYỀN (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết