25/04/2021 - 09:15

Omega-3 giảm tác hại của stress và quá trình lão hóa như thế nào? 

Sản phẩm bổ sung omega-3 là một ngành kinh doanh đang bùng nổ, bởi axít béo không bão hòa đa này có vô số lợi ích sức khỏe, bao gồm phòng ngừa bệnh tim mạch, ung thư, tâm thần và còn có tiềm năng đẩy lùi cả COVID-19. Mới đây, các nhà khoa học Mỹ phát hiện sử dụng  omega-3 liều cao có thể giúp cơ thể phòng, chống tình trạng viêm liên quan đến căng thẳng tinh thần (stress) và cũng làm chậm quá trình lão hóa tế bào.

Một cách an toàn và hiệu quả để bổ sung omega-3 là ưu tiên tiêu thụ nhóm thực phẩm giàu hàm lượng axít béo này.

Trong nghiên cứu trước đó, các chuyên gia tại Ðại học Bang Ohio (OSU) đã quan sát những thay đổi về độ dài telomere trong một loại tế bào bạch cầu chính trong hệ miễn dịch gọi là tế bào lympho. Ðược biết, telomere được xem là “mũ bảo vệ” phần đầu của nhiễm sắc thể và chúng thường ngắn dần theo tuổi tác. Tuy không mang thông tin di truyền như phần còn lại của chuỗi ADN, nhưng telomere đóng một vai trò nhất định trong việc giữ cho cấu trúc di truyền này được ổn định. Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng các yếu tố nguy cơ như bệnh tật - đặc biệt là bệnh tim - có thể làm tăng tốc độ rút ngắn của telomere.

Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia OSU đã kiểm tra tác động của stress đến một loạt chỉ dấu sinh học gồm cả telomerase - loại enzyme có chức năng củng cố telomere. Các tác giả nhận định telomerase là mục tiêu tốt hơn trong việc đánh giá tác động của stress, vì nồng độ của enzyme này phản ứng nhanh hơn so với phản ứng của các mũ ADN.

Cụ thể, họ so sánh ảnh hưởng của việc bổ sung hằng ngày omega-3 ở liều lượng 2,5gr hoặc 1,25gr với việc dùng một giả dược chứa nhiều loại dầu vô hại trên 138 người tham gia từ 40-85 tuổi. Sau 4 tháng, các đối tượng được cho làm bài kiểm tra kỹ năng làm toán và nói kéo dài 20 phút, nhằm khiến cơ thể họ phản ứng trước tình huống stress vốn dễ kích hoạt tình trạng viêm. Kết quả cho thấy so với nhóm dùng giả dược, nhóm dùng omega-3 ở liều cao nhất chịu ít tổn thương vì stress hơn. Không chỉ vậy, những người bổ sung omega-3 còn sản xuất hoóc-môn gây stress cortisol ít hơn, cũng như có nồng độ prôtêin kích thích viêm thấp hơn. Bằng chứng là nồng độ cortisol của họ ít hơn 19% và prôtêin gây viêm thấp hơn 33%.

Kết quả phân tích mẫu máu sau đó còn cho thấy rằng cả hai liều dùng omega-3 đều tạo ra sự thay đổi trong nồng độ telomerase, cũng như làm biến đổi một prôtêin có công dụng giảm viêm trong 2 giờ sau khi bị stress cấp tính. Trong khi đó, ở nhóm dùng giả dược, cơ chế điều chỉnh này của cơ thể bị tác động bởi tình trạng căng thẳng, bằng chứng là lượng telomerase giảm trung bình 24% và prôtêin chống viêm giảm ít nhất 20%.

Nhóm chuyên gia cho biết viên bổ sung omega-3 góp phần dẫn đến cái gọi là “khả năng phục hồi stress”, tức là giảm thiểu thiệt hại do căng thẳng, trong khi các hoạt động kháng viêm giúp bảo vệ các bộ phận tế bào khỏi bị thu nhỏ do tác động của quá trình lão hóa. Các tác giả nhận xét, tác động của omega-3 đối với lão hóa rất đáng ngạc nhiên vì các đối tượng thường ít vận động, thừa cân và đã ở tuổi trung niên - những yếu tố khiến họ đối mặt với nguy cơ cao bị lão hóa nhanh.

Tác giả chính Annelise Madison nhận xét: “Phát hiện mới cho thấy rằng bổ sung omega-3 là một thay đổi tương đối đơn giản mà mọi người có thể thực hiện để góp phần  phá vỡ mối liên kết giữa stress và các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe”.

Ðược biết, ngoài viên bổ sung omega-3, chúng ta có thể tăng cường chất béo tốt này cho cơ thể bằng các thực phẩm như cá béo (cá hồi, cá nục, cá mòi...), trái bơ, trứng, hạt óc chó, hạnh nhân, hạt bí...

AN NHIÊN (Theo Study Finds) 

 

Chia sẻ bài viết