15/10/2020 - 09:40

Okinawa bị nhiễm độc vì căn cứ Mỹ 

Là nơi đặt 31 căn cứ quân sự Mỹ, đảo Okinawa ở miền Nam Nhật Bản không còn xa lạ với những mối nguy, chẳng hạn như vụ quân đội Mỹ vô tình bắn tên lửa hạt nhân vào một bến cảng địa phương hồi năm 1959 hay vụ rò rỉ chất độc thần kinh chấn động vào năm 1969, khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ bỏ chính sách sử dụng vũ khí hóa học. Nhưng những sự cố này chưa thấm gì so với vấn đề mà người dân Okinawa phải đối mặt ngày nay: Nguồn nước của khoảng 1/3 cư dân bị nhiễm độc.

Căn cứ Không quân Kadena nhìn từ trên cao. Ảnh: Stripes.com

Trang tin The Diplomat cho hay hóa chất gây nhiễm độc nước tại Okinawa là hợp chất PFAS, vốn được dùng trong sản xuất bao bì thực phẩm, đồ dùng nhà bếp chống dính và bọt chữa cháy quân sự. PFAS có tính kháng nhiệt, dầu và nước rất cao, nhưng những điểm mạnh này cũng mang đến mối nguy cho sức khỏe con người. Do không thể phân hủy trong môi trường, PFAS thường tích tụ trong cơ thể và phải mất hàng chục năm mới thải hết. Ðược biết, PFAS có liên quan đến các vấn đề sức khỏe như ung thư thận và tinh hoàn, cholesterol cao và giảm phản ứng với vaccine.

Ðáng quan ngại, nước bị nhiễm độc đang được cung cấp tới 7 khu vực là nơi sinh sống của 450.000 người dân Okinawa, hàng ngàn quân nhân Mỹ cùng thân nhân họ và ít nhất hàng triệu du khách quốc tế trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Kết quả xét nghiệm của những người thường uống nước này cho thấy nồng độ PFAS trong máu họ cao hơn 53 lần so với mức trung bình quốc gia.

Thực ra, người dân Okinawa biết đảo bị nhiễm PFAS từ năm 2016, khi các cuộc kiểm tra của địa phương phát hiện nồng độ cao chất này tại các con sông chảy qua và gần Căn cứ Kadena, nơi đóng quân lớn nhất của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Các cuộc kiểm tra sau đó ở gần những căn cứ quân sự khác trên đảo cũng hé lộ vấn đề tương tự.

Ðược biết, tình trạng nhiễm PFAS từ bọt chữa cháy cũng diễn ra tại các cơ sở quân sự khắp nước Mỹ. Hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo có 651 căn cứ trong nước bị nghi nhiễm độc như vậy, cũng như thừa nhận có tình trạng nhiễm PFAS ở các căn cứ tại Hàn Quốc, Bỉ và Honduras.

Nỗ lực tiếp cận bất thành từ địa phương

Năm 2016, chính quyền Okinawa đã xin phép phía Mỹ kiểm tra Căn cứ Kadena, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Yêu cầu của người dân cũng nhận được sự im lặng tương tự. Hồi tháng 6 rồi, khi xảy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại Căn cứ Kadena, khiến 45 người bị ngạt khói hoặc hít phải khí clo, phía Mỹ cũng không tiết lộ gì về những vật liệu nguy hiểm đang lưu trữ tại địa điểm này. “Lực lượng Mỹ đã không phản hồi câu hỏi của chính quyền về tác động của đám cháy đối với những cư dân sống gần căn cứ. Ðây là một tình huống đáng tiếc khiến người dân rất lo lắng” - Thống đốc Okinawa, ông Denny Tamaki bức xúc.

Thực ra, căn nguyên của vấn đề nằm ở Hiệp ước về quy chế đối với các lực lượng Mỹ (SOFA) kéo dài 60 năm qua. Theo đó, về vấn đề môi trường, quân đội Mỹ được phép tự kiểm soát và các căn cứ của họ không phải tuân theo luật pháp Nhật hoặc bị xử phạt sau khi vi phạm. Ngay cả khi trả đất cho mục đích sử dụng dân sự, SOFA cũng giúp quân đội Mỹ miễn trừ việc phải thu dọn sạch cơ sở. Như trong giai đoạn 2003 - 2018, người nộp thuế xứ Phù Tang phải mất 13 tỉ yen (124 triệu USD) để sửa chữa các căn cứ cũ ở Okinawa, trong đó có nhiều địa điểm bị nhiễm các chất độc như dioxin, asbestos và chì.

Tuy kết quả thăm dò dư luận thường cho thấy phần lớn người dân Okinawa ủng hộ liên minh Mỹ - Nhật, nhưng họ mong muốn tỉnh nhà không phải gồng gánh tới 70% số lính Mỹ đang đóng quân tại Nhật.

NGUYỆT CÁT

Chia sẻ bài viết