Bài, ảnh: HIẾU THUẬN
Tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên của địa phương, anh Nguyễn Bửu Lộc ở ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đã nuôi cua biển trong hộp nhựa vèo dưới tán rừng ven biển. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Người dân ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, nuôi cua biển trong hộp nhựa dưới tán rừng ven biển.
Anh Lộc cho biết khi nói đến cua biển, người ta nghĩ ngay đến Cà Mau. Tuy nhiên ở đảo Phú Quốc, cua biển cũng thuộc top đầu các loại hải sản tươi ngon, được nhiều du khách ưa chuộng. “Cua biển ở Phú Quốc có đặc điểm khác biệt là thân đen, càng đỏ, thịt chắc, ngon ngọt. Tuy nhiên, cua tự nhiên trên biển ở Phú Quốc đang dần cạn kiệt, do đó tôi quyết định nuôi cua biển trong hộp nhựa để cung ứng ra thị trường, góp phần cải thiện thu nhập gia đình” - anh Lộc nói.
Theo anh Lộc, lúc đầu vợ chồng anh thí nghiệm nuôi thử hơn trăm con cua. Sau thời gian chăm sóc, cua sinh trưởng và phát triển tốt nên anh nâng tổng lượng cua lên 1.500 con, đồng thời bao lưới bên ngoài nuôi thêm khoảng 2.000 con. Anh chăm sóc cho cua lột lớn khoảng bằng mặt đồng hồ rồi bỏ vô hộp nhựa nuôi như hiện nay. Ðể nuôi cua thành công, anh Lộc tận dụng mé sông gần nhà có cây đước rồi bao lưới xung quanh. Sau đó đóng thêm vỉ cây, thả nuôi mỗi hộp nhựa 1 con cua và cho cua ăn cá nhỏ 2 lần/tuần. “Cua biển dễ nuôi nhưng trở ngại lớn nhất với người làm mô hình này là chi phí đầu tư chuồng trại, hộp nuôi khá lớn. Tuy nhiên sau vụ đầu người nuôi đã có thể lấy vốn và hộp nuôi cua có thể sử dụng nuôi trong nhiều năm. Cua nuôi đến kích cỡ 5-6 con/kg sẽ bán giá 300.000 đồng/kg; 4 con/kg giá 400.000 đồng/kg và 2-3 con/kg giá 500.000 đồng/kg. Sau khi trừ hao hụt, thức ăn… có thể lời khoảng 60%” - anh Lộc chia sẻ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, anh Lộc đầu tư thêm tiền mua hộp nhựa về nuôi được khoảng 1.500 con cua. Với số lượng hiện có, anh Lộc đã xuất bán ra thị trường khoảng 500 con cua biển thương phẩm, thương lái đến tận nhà thu mua nên không phải lo đầu ra. “Chỉ cần hiểu được tập tính sinh sống của cua, chịu khó học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc thì năng suất đạt cao. Tôi sẽ đầu tư thêm 4.000-5.000 hộp nhựa để mở rộng mô hình. Bên cạnh đó, nếu bà con đồng lòng có thể chung tay thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác nuôi cua biển để mô hình phát triển bền vững” - anh Lộc nói.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó Trưởng ấp Rạch Tràm, cho biết: “Tại địa phương, mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa vèo dưới tán rừng ven biển tuy mới lạ nhưng đạt hiệu quả. Nếu mô hình này được nhân rộng sẽ góp phần cải thiện kinh tế nhiều gia đình, đồng thời góp phần bảo đảm nguồn cung hải sản phục vụ du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”.