12/12/2022 - 23:26

Nới lỏng phong tỏa, dân Trung Quốc vẫn hạn chế chi tiêu 

MAI QUYÊN

Trong khi Trung Quốc dần dỡ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt kiểm soát đại dịch theo chiến lược “zero COVID”, một số nhà kinh tế tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng của Bắc Kinh trước sự không chắc chắn của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước.

Một người phục vụ hướng dẫn khách hàng quét mã QR sức khỏe bên ngoài một nhà hàng ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Một người phục vụ hướng dẫn khách hàng quét mã QR sức khỏe bên ngoài một nhà hàng ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Vài tuần trở lại đây, Jorry Fan sống ở Tô Châu cho biết gia đình cô vẫn chọn đặt đồ online thay vì trực tiếp ra ngoài. Bà mẹ 2 con lo sợ bản thân mình hoặc người thân có thể nhiễm COVID-19, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên diện rộng, giảm xét nghiệm PCR thông thường và ngừng kiểm tra kết quả PCR âm tính tại những nơi công cộng. “Tôi rất mừng vì sự thuận tiện so với trước, nhưng cũng cẩn thận và lo ngại hơn do không biết ai đang nhiễm SARS-CoV-2” - Fan chia sẻ.

Theo Hãng tin Reuters, đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp ở Trung Quốc, khi người dân vừa hoan nghênh tín hiệu tích cực từ chính phủ nhưng đồng thời cảnh giác nguy cơ lây nhiễm cao hơn bởi hầu hết họ được cho không có khả năng miễn dịch tự nhiên vì chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian phong tỏa kéo dài. Với tỷ lệ tiêm vaccine còn tương đối thấp ở người lớn tuổi, các nhà chuyên môn dự báo 60% dân số Trung Quốc có thể bị tấn công trong làn sóng lây nhiễm chắc chắn sẽ xảy ra sau khi mở cửa.

Không có sự chuẩn bị

Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh ở Trung Quốc, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hoan nghênh các bước đi quyết đoán của chính quyền Bắc Kinh trong việc điều chỉnh lại các chính sách chống COVID-19. Theo bà, điều này rất tốt cho người dân và kinh tế Trung Quốc, cũng như đối với châu Á và thế giới.

Nhưng trong một đánh giá ít khả quan hơn, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Hà Lan ING Iris Pang cho biết việc chuyển từ cách ly ở cơ sở nhà nước sang cách ly tại nhà không làm tăng đáng kể doanh số bán lẻ ở đại lục khi nhiều người vẫn sợ hãi việc ra đường. Jason Yu, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu người tiêu dùng Kantar Worldpanel tại Trung Quốc lưu ý doanh số bán các mặt hàng như mỹ phẩm, rượu vang và rượu mạnh có thể sẽ tiếp tục giảm do người tiêu dùng duy trì sự thận trọng trong những tháng tới.

Bối cảnh này được dự báo làm giảm triển vọng phục hồi chi tiêu tiêu dùng, vốn có khả năng bị ức chế bởi những lo lắng dai dẳng về tình hình việc làm và nền kinh tế đang chậm lại. Nó thậm chí làm gián đoạn doanh nghiệp và đe dọa chuỗi cung ứng. Trong một chia sẻ, một spa tại trung tâm thương mại ở Bắc Kinh cho biết họ đã hoạt động trở lại hồi tuần rồi nhưng lượng khách thì ít hơn nhiều so với trước đây. Mặc dù thua lỗ, nhưng cửa tiệm vẫn áp dụng các chương trình khuyến mãi và phiếu giảm giá nhằm thu hút khách hàng. Trả lời phỏng vấn với Reuters, giám đốc điều hành chuỗi khách sạn lớn ở Trung Quốc thừa nhận họ không có sẵn kế hoạch đáp ứng động thái mở cửa “quá nhanh và đột ngột” như hiện nay. Với nhiều cơ sở vẫn còn đang được sử dụng cho mục đích cách ly, người này cho biết việc thuyết phục các chủ sở hữu mở cửa và thuê thêm nhân công là rất khó trước rào cản tư duy bảo thủ mà chiến lược “zero COVID” đã tạo ra.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng việc mở cửa trở lại dù gập ghềnh nhưng về lâu dài, triển vọng đã sáng sủa hơn cho các công ty cam kết với thị trường Trung Quốc. Theo đó, các chuỗi đồ ăn nhanh lớn gồm McDonald’s, Starbucks, Yum China hoặc những thương hiệu xa xỉ như LVMH có thể từng bước thực hiện việc mở rộng thị trường như đã lên kế hoạch. Ngoài ra, doanh thu một số ngành như chăm sóc sức khỏe được dự báo tăng lên khi mọi người tập trung hơn vào các mặt hàng nâng cao, bồi bổ thể chất.

Chia sẻ bài viết