Bà Nguyễn Ngọc Thẩm, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Đỏ, khẳng định: “Phong trào thi đua Dân vận khéo (DVK) đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương, giải quyết được những vấn đề nảy sinh có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Năm 2025, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục phát động sâu rộng phong trào xây dựng mô hình DVK; nhất là chú trọng nhân rộng các mô hình, việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa và được nhiều người hưởng ứng”.
Cầu Lung Tràm 3 (cầu Hy Vọng 350) ở ấp Thạnh Phước 2, do Xã đoàn Trung Thạnh phối hợp vận động xây dựng.
Năm 2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện Cờ Đỏ đăng ký thực hiện 275 mô hình DVK trên các lĩnh vực. Qua khảo sát, có 167 mô hình đạt hiệu quả cao, tập trung vào việc tổ chức tốt phong trào vận động hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế; vận động xã hội hóa thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao; chăm lo an sinh xã hội… Ban Dân vận Huyện ủy đề nghị UBND huyện khen thưởng 66 mô hình, đề nghị Ban Dân vận Thành ủy khen thưởng 2 mô hình.
Mô hình Tổ hợp tác (THT) nuôi ba ba của Hội Nông dân xã Thạnh Phú được đánh giá có hiệu quả thiết thực. Theo ông Phùng Quốc Thái, Chủ tịch Hội Nông dân xã, việc nuôi ba ba được một số hội viên nông dân thực hiện từ năm 2019. Năm 2021, Hội Nông dân xã đăng ký ra mắt mô hình THT nuôi ba ba Tài Lợi tại ấp 6 và nhân rộng từng năm. Đến nay, THT có 11 thành viên tham gia với diện tích nuôi 10.400m2. Các thành viên có thu nhập bình quân 80-100 triệu đồng/người/năm.
Tại xã Trung Hưng, việc vận động thành lập và nhân rộng, nâng chất các mô hình THT Đan ráp lú do Hội LHPN xã thực hiện góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho chị em trong nhiều năm qua. Chị Võ Thị Vẹn, Trưởng Khối Dân vận xã, cho biết: “Hội LHPN xã thành lập được 3 THT Đan ráp lú với 47 thành viên, thu nhập đạt 3-6 triệu đồng/người/tháng”. Chị Nguyễn Thị Thúy Liễu, thành viên THT Đan ráp lú ấp Thạnh Hưng 2 nói: “Trước đây, do không có đất sản xuất, vợ chồng tôi đi làm thuê ở xa, gởi con cho ông bà chăm sóc. Sau dịch COVID-19, tôi trở về địa phương, được Hội LHPN xã hỗ trợ học nghề và tham gia THT. Hiện nay, tôi và con gái lớn tham gia THT và có thu nhập ổn định hơn 12 triệu đồng/tháng”.
Trên địa bàn huyện Cờ Đỏ còn nhiều mô hình DVK mang lại hiệu quả thiết thực trên lĩnh vực an sinh xã hội, tham gia xây dựng nông thôn mới... Trong đó, mô hình vận động hỗ trợ cất nhà tình thương cho hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở của Ủy ban MTTQVN xã Trung Thạnh thực hiện từ năm 2022 tới nay. Riêng năm 2024, thông qua mô hình, xã vận động cất 5 căn với tổng trị giá 115 triệu đồng. Bà Cao Thị Cúc ngụ ấp Thạnh Lộc kể: “Gia đình tôi thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn, không đất đai sản xuất, làm thuê kiếm sống. Căn nhà cũ xuống cấp, không điều kiện xây mới hay sửa chữa. Năm 2024, Ủy ban MTTQVN xã vận động hỗ trợ gia đình căn nhà tình thương trị giá 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình còn được ưu tiên xét tặng các suất quà dịp lễ, Tết...”.
Mô hình vận động xã hội hóa xây dựng cầu giao thông của Xã đoàn Trung Thạnh cũng được duy trì thực hiện nhiều năm qua. Tháng 4-2024, Xã đoàn vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu Lung Tràm 3 (cầu Hy vọng 350) ở ấp Thạnh Phước 2. Đồng chí Lư Thị Hòa, Trưởng Khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã nói: “Khối Dân vận chỉ đạo Xã đoàn phối hợp đoàn thể ấp tổ chức họp dân, bàn bạc cách thức đóng góp, quy cách xây dựng. Tính chung, tổng trị giá công trình là 750 triệu đồng (trong đó Huyện đoàn Cờ Đỏ vận động Quỹ Hy vọng hỗ trợ 375 triệu đồng) và 600 ngày công lao động”. Anh Nguyễn Văn Tèo Em ở ấp Thạnh Phước 2 nói: “Cầu cũ làm bằng cây, nhỏ hẹp, xuống cấp, đi lại gặp nhiều khó khăn. Bà con rất phấn khởi khi địa phương có chủ trương bắc cầu mới. Ngoài việc ủng hộ tiền mua vật tư, tôi còn phụ tiếp ngày công lao động”.
Từ năm 2017, Hội LHPN xã Đông Hiệp xây dựng mô hình vận động hội viên phụ nữ có mặt tại địa phương tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), nhằm góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, đều thực hiên đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Mô hình được khen thưởng DVK cấp huyện nhiều năm liền. “Năm 2024, Hội LHPN đã vận động 4/4 ấp đạt tỷ lệ 100% hội viên có mặt tại địa phương và thân nhân tham gia BHYT” - chị Lê Vân Huyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã thông tin thêm. Theo bà Võ Thị Lang (ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp), trước đây bà chưa quan tâm về chính sách BHYT. Nhờ sự kiên trì vận động của cán bộ Hội, giúp bà dần hiểu và đồng thuận tham gia. Bà Lang bộc bạch: “Hiện tại, cả nhà tôi gồm 4 thành viên đều tham gia BHYT”.
Ngoài ra, huyện Cờ Đỏ còn nhiều mô hình DVK được công nhận và khen thưởng các cấp, như: mô hình vận động xây dựng tuyến đường kênh 200 “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, với chiều dài 1.300m của Chi bộ ấp Thới Trung, xã Thới Đông; mô hình tuyên truyền nội dung, hình ảnh về phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội qua Zalo của Công an huyện; các mô hình vận động xã hội hóa xây dựng nhà cho đoàn viên, hội viên của Hội LHPN huyện, Hội Chiến binh huyện, LĐLĐ huyện...
Bài, ảnh: HẢI THƯ