Người dân Syria thức dậy vào sáng 8-12 với một tương lai đầy hy vọng mặc dù không chắc chắn, sau khi phe đối lập chiếm thủ đô Damascus và Tổng thống Bashar al-Assad phải chạy trốn sang Nga, chấm dứt hơn 50 năm lãnh đạo đất nước của gia đình ông.
Các tay súng đối lập ăn mừng khi chiếm được Damascus ngày 8-12. Ảnh: AP
Liên minh nổi dậy Syria do nhóm Hayat al-Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo đã lật đổ chính quyền Tổng thống Assad sau một cuộc tấn công chớp nhoáng chỉ kéo dài hai tuần. Lực lượng nổi dậy đã tràn ra khỏi vùng đất họ chiếm giữ ở phía Bắc đất nước, kiểm soát Aleppo và một loạt thành phố khác chỉ trong vài ngày, trước khi tập trung về Damascus.
Phiến quân tiến vào thủ đô mà hầu như không vấp phải sự kháng cự nào, khi quân đội Syria tan rã và Tổng thống Assad, người ngồi ghế lãnh đạo Syria trong 24 năm, đã chạy trốn khỏi đất nước.
Truyền thông Nga đưa tin Mát-xcơ-va đã cấp quy chế tị nạn cho cựu Tổng thống Assad và thân nhân vì lý do nhân đạo. Gia đình ông hiện đang ở thủ đô Mát-xcơ-va.
Nguyên nhân thất thủ
Chiến thắng bất ngờ của phiến quân không chỉ là do sự yếu kém của quân đội Syria mà còn bởi các đồng minh Iran, lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon và Nga không sẵn lòng hỗ trợ khi cần thiết.
Một thập niên trước, ba đồng minh này đã giúp ông Assad chống lại cuộc nổi loạn vũ trang của một nhóm phiến quân hỗn hợp vào năm 2011. Với sự hỗ trợ của Không quân Nga và lực lượng bộ binh Lebanon do Iran hậu thuẫn vào năm 2015, chính quyền Assad đã đẩy phiến quân vũ trang Syria về một khu vực ở Tây Bắc đất nước.
Hiện nay, chỉ một trong 3 đồng minh nêu trên có thể giúp ông Assad chống lại phe nổi dậy. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của họ chỉ mang tính tượng trưng và cũng quá ít, quá muộn.
Iran là quốc gia dẫn dắt “Trục kháng chiến” trong khu vực nhưng hiện đang tham gia chiến tranh ủy nhiệm với Israel. Iran gần đây đã bị thiệt hại bởi các cuộc tập kích tên lửa của Israel. Tehran thông báo với ông Assad rằng nước này sẽ chỉ gửi một số máy bay không người lái và tên lửa để bảo vệ chính phủ của nhà lãnh đạo Syria.
Trong khi đó, quân đội Syria gồm những người Hồi giáo dòng Sunni (nhóm dân tộc chiếm đa số ở Syria) nhưng phần lớn lực lượng này được trang bị nghèo nàn. Khi phe nổi dậy bắt đầu tiến công, các đơn vị quân đội Syria đã tan rã, khiến các thành phố Aleppo, Hamas, Homs và Damascus mất khả năng phòng thủ.
Theo giới phân tích, những khó khăn kinh tế dai dẳng và xung đột vũ trang kéo dài đã ảnh hưởng đến xã hội Syria nói chung và nhuệ khí binh sĩ nói riêng.
Bên cạnh quân đội, chính quyền Assad cũng phụ thuộc vào các nhóm dân quân trong nước, song những lực lượng này không muốn hoặc thiếu khả năng ngăn chặn cuộc tấn công của phe nổi dậy. Ngoài ra, ông còn dựa vào đơn vị tinh nhuệ Vệ binh Cộng hòa và một mạng lưới tình báo rộng khắp. Cả hai đơn vị này đều sở hữu lực lượng đông đảo gồm những người Alawi đáng tin cậy và trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng họ để trấn áp các đối thủ trong nước.
Tuy nhiên, không rõ Vệ binh Cộng hòa ở đâu khi phe nổi dậy tiến về Damascus. Hệ thống gián điệp trong nước của Syria thì đã suy thoái từ lâu trước khi xảy ra cuộc nổi dậy mới nhất.
Nhiệm vụ tái thiết nặng nề
Theo hãng tin Reuters, phiến quân Syria sẽ đối mặt với nhiệm vụ rất lớn là tái thiết và điều hành đất nước sau cuộc chiến khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, phá hủy các thành phố và nền kinh tế bị khoét sâu bởi lệnh trừng phạt toàn cầu. Syria sẽ cần hàng tỉ USD viện trợ.
“Hỡi những anh em của tôi, một trang sử mới đang được viết lên cho toàn bộ khu vực sau chiến thắng vĩ đại này”, thủ lĩnh HTS Abu Mohammed al-Golani phát biểu ngày 8-12. Liên minh nổi dậy cho biết họ đang nỗ lực hoàn tất việc chuyển giao quyền lực.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Assad đã từ chức và rời khỏi đất nước sau khi chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng đây là thời điểm nhiều nguy cơ và bất định đối với khu vực Trung Đông. Chính quyền Mỹ đã xếp Hayat Tahrir al-Sham vào danh sách khủng bố và cho rằng họ có liên quan đến al-Qaeda, mặc dù nhóm này khẳng định đã cắt đứt quan hệ với al-Qaeda.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cảnh báo quá trình tái thiết Syria sẽ lâu dài và phức tạp, đồng thời kêu gọi tất cả các bên phải sẵn sàng tham gia một cách mang tính xây dựng. Bà Kallas nói thêm rằng ưu tiên của EU là đảm bảo an ninh trong khu vực và cam kết hợp tác với “tất cả các đối tác mang tính xây dựng” ở Syria và rộng hơn là toàn khu vực.
Các nguồn tin ở Syria tiết lộ phe đối lập vũ trang Syria đã thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ về kế hoạch tiến hành một chiến dịch tấn công chống lại chính quyền Syria khoảng 6 tháng trước và tin rằng họ đã có được “sự chấp thuận ngầm”.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)