12/12/2024 - 16:38

Người gác rừng ở Vườn Quốc gia Tràm Chim 

Hơn 30 năm bầu bạn với những cánh rừng tràm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), ông hiểu rõ từng chuyển động nhỏ của rừng. Đầu tháng 3-2024 xuất hiện 4 con sếu đầu đỏ bay về khu vực Vườn Quốc gia, ông Đỗ Minh Chánh - người gác rừng vui không kể xiết. Bởi ông đã chờ đợi sự trở lại của những cánh sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới về trên cánh rừng Vườn Quốc gia Tràm Chim nhiều năm qua.

Bầu bạn với rừng  

Vườn Quốc gia Tràm Chim đã trở thành ngôi nhà thứ hai của ông Chánh, nơi ông Chánh gửi gắm hết niềm tin và ước vọng. Ở tuổi 59, ông Chánh vẫn giữ được sự nhanh nhẹn hiếm thấy. Hằng ngày, trên chiếc vỏ lãi ông len lỏi vào cánh rừng để thăm rừng, có hôm ông đưa khách tham quan rừng, huyên thuyên giới thiệu với du khách từng góc rừng, từng đàn chim quý, như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ.

Ông Đỗ Minh Chánh - người gác rừng hơn ba thập kỷ đang quan sát rừng từ đài quan sát.

Ở Vườn Quốc gia Tràm Chim có hàng trăm loài động vật có xương sống, hàng chục loài cá và còn là nơi sinh sống của hơn 230 loài chim (trong đó có 32 loài quý hiếm, 16 loài trong danh sách Đỏ).

Ông Chánh cho biết, ông bắt đầu công việc gác rừng từ năm 1993, thời điểm Tràm Chim được xem là nơi cư trú lý tưởng của hàng ngàn cá thể sếu đầu đỏ. Hình ảnh những chú sếu sải đôi cánh rộng trên bầu trời xanh, dáng cao mảnh khảnh, bước đi nhẹ nhàng giữa đồng cỏ năng khiến ông cùng bao người dân huyện Tam Nông say mê. “Những năm đầu 90, sếu về nhiều lắm, đẹp lắm. Tôi còn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy chúng, như được gặp một người bạn tâm giao” - ông Chánh hồi tưởng với ánh mắt xa xăm.

Hơn ba thập kỷ gác rừng, ông cặm cụi giữ gìn từng mảng tràm, từng đồng cỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ngày nào ông cũng quan sát từng chuyển động của rừng rồi trăn trở, buồn xa xăm khi từ sau năm 2001 đến nay, sếu đầu đỏ bắt đầu thưa dần. Ông nói, hằng năm, ông cùng đồng đội luôn kiên nhẫn dõi mắt từ đài quan sát, mong chờ bóng dáng những người bạn cũ - sếu đầu đỏ. Nhưng, mỗi năm sếu càng ít và rồi có những năm chẳng thấy bóng dáng con nào. “Tôi lo lắm, chỉ sợ con cháu đời sau không còn biết sếu đầu đỏ trông thế nào” - ông Chánh trầm ngâm.

Sếu đầu đỏ

Mặc dù vậy, niềm hy vọng của ông Chánh chưa bao giờ tắt. Tháng 3-2024, bốn cá thể sếu đầu đỏ di cư trở về Tràm Chim đã thắp lên niềm hy vọng cho người giữ rừng. Giấc mơ trải thảm xanh đón sếu về rừng của ông Chánh như được tiếp nối thêm khi tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032. Đề án không chỉ hướng tới phục hồi hệ sinh thái mà còn xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho sếu quay lại và sinh sống lâu dài.

“Tôi mong ngày đàn sếu đông đúc về lại Tràm Chim, để thấy rằng nơi đây là đất lành” - ông Chánh bộc bạch. Hiện nay, ngoài công việc chính là bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy, ông Chánh còn dành thời gian để tuyên truyền cho người dân và du khách hiểu về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Với ông, Tràm Chim không chỉ là nơi sinh thái mà còn là “chốn thiêng” cần được gìn giữ.

BOX:

Vườn Quốc gia Tràm Chim là một khu đất ngập nước, được xếp trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Ngày 22-5-2012, Vườn Quốc gia Tràm Chim được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar của thế giới và đây là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và là khu Ramsar 2.000 của thế giới.

Cái tình, cái nghĩa với đất

Ở trạm Quyết Thắng trong Vườn Quốc gia Tràm Chim - nơi ông Chánh làm việc,  mỗi ngày đều là một hành trình mới của ông. Từ việc quan sát nguy cơ cháy rừng đến việc nhanh chóng phát hiện tin vui mỗi khi sếu đầu đỏ quay về, ông luôn cần mẫn với công việc của mình. Đôi khi, người ta thấy ông lái vỏ lãi đưa khách tham quan, kể chuyện rừng, kể về những ngày sếu đông đúc và cả những lần hụt hẫng khi không thấy chúng. “Công việc này không chỉ là trách nhiệm, nó còn là tình yêu và cái nghĩa với mảnh đất này” - ông nói.

Với ông Chánh,  Vườn Quốc gia Tràm Chim còn là “chốn thiêng” cần được gìn giữ.

Trong cuộc giữ rừng hơn 30 năm, ông Chánh luôn có hậu phương vững chắc ủng hộ. Bà luôn luôn đồng hành cùng chồng trong căn nhà nhỏ nằm giữa Vườn Quốc gia, nơi họ sống và chăm sóc rừng như chính gia đình mình. “Tôi mong một ngày không xa, những cánh sếu đầu đỏ về đông đúc hơn, chọn Tràm Chim làm bến đậu bình yên. Khi ấy, không chỉ tôi mà cả người dân Đồng Tháp sẽ cùng chung niềm vui ấy” - ông nói với ánh mắt ánh đầy hy vọng.

Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.

Hơn cả một người giữ rừng, dẫu mưa dầm hay nắng cháy, người đàn ông ấy vẫn kiên định với nhiệm vụ của mình để giữ từng vạt tràm, đồng cỏ và các loài động vật, chim, cá đang cư trú trong rừng. Với tình yêu thiên nhiên, yêu mảnh đất Tam Nông và quyết tâm gìn giữ giá trị thiêng liêng của Tràm Chim, ông Chánh mong góp chút sức nhỏ nhoi của mình để phục hồi hệ sinh thái bền vững nơi đây.

Theo thống kê của Vườn Quốc gia Tràm Chim, năm 2015 số lượng sếu về chỉ 21 con, năm 2016 số lượng bay về được 14 con, năm 2017 được 9 con, năm 2018 được 11 con, năm 2019 được 11 con. Năm 2020, sếu không về, năm 2021 về 3 con rồi vắng bóng 2 năm sau. Đầu tháng 3-2024 xuất hiện 4 con sếu đầu tiên bay về khu vực này.

Bài, ảnh: ĐĂNG DƯƠNG

Chia sẻ bài viết