Ngày 10-12, nhóm phiến quân Syria đã chỉ định ông Mohammed al-Bashir làm thủ tướng lâm thời lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp trong bối cảnh các thế lực bên ngoài đang hành động nhằm củng cố lợi ích sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Thủ tướng lâm thời Syria Mohammed al-Bashir chủ trì cuộc họp nội các hôm 10-12 tại Damascus. Ảnh: AFP
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Syria, ông Bashir, 41 tuổi, cho biết sẽ điều hành chính phủ chuyển tiếp cho tới ngày 1-3-2025. “Giờ đây là thời điểm người dân Syria được tận hưởng sự ổn định và bình yên”, lãnh đạo của lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) nhấn mạnh. Trước khi đảm nhận chức vụ mới, ông Bashir từng đứng đầu Chính phủ cứu nguy, được quân nổi dậy lập tại thành trì Idlib ở Tây Bắc Syria năm 2017 để quản lý khu vực họ kiểm soát.
Phương Tây lo lắng
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phản ứng thận trọng đối với các sự kiện ở Syria. Các quan chức Mỹ được cho là đã liên lạc không chính thức với HTS, nhóm dẫn đầu liên minh nổi dậy. Ngày 10-12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi phe nổi dậy theo đuổi tiến trình chính trị “bao trùm” để thành lập chính phủ chuyển tiếp và nêu rõ sự công nhận của Washington sẽ phụ thuộc vào việc các lãnh đạo mới ở Syria đáp ứng được các tiêu chuẩn này hay không. Ông Blinken cũng yêu cầu chính phủ mới phải đảm bảo “để Syria không trở thành nơi ẩn náu của khủng bố”.
Tuy nhiên, những dấu hiệu ban đầu từ Damascus cho thấy HTS đang tìm cách duy trì quyền kiểm soát độc quyền đối với quá trình chuyển tiếp. Charles Lister, Giám đốc chương trình Syria thuộc Viện Trung Đông (Mỹ), đánh giá quá trình chuyển tiếp ở Damascus chỉ do HTS lãnh đạo là một dấu hiệu không tốt, đồng thời ông chỉ ra những phương thức “độc tài” trước đây của nhóm này tại Idlib.
Đáp lại, thủ lĩnh HTS Ahmed al-Sharaa, với bí danh Abu Mohammed al-Golani, đã tìm cách trấn an thế giới trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông phương Tây kể từ khi phe nổi dậy lật đổ chính quyền Assad. Nói với tờ Sky News hôm 10-12, ông Golani cho rằng Syria đã “kiệt quệ” vì chiến tranh và sẽ không quay trở lại chiến tranh. Do vậy, thế giới không có gì phải sợ chính quyền mới ở Syria và ông cũng cam kết đất nước này sẽ được tái thiết.
Quá khứ của Golani và HTS khiến phương Tây lo lắng. Mỹ, Anh và Liên Hiệp Quốc đã liệt HTS vào danh sách khủng bố do từng dính líu tới tổ chức khủng bố al-Qaeda.
Trong khi đó, đại diện của các quốc gia láng giềng và các nước Arab ở vùng Vịnh đã tổ chức cuộc họp với các quan chức HTS và dự kiến sẽ công nhận chính phủ chuyển tiếp trong những ngày tới.
Ngày 11-12, những người tị nạn trong cuộc nội chiến kéo dài 13 năm ở Syria cũng đã bắt đầu hồi hương sau khi lực lượng đối lập bổ nhiệm thủ tướng lâm thời.
Các cuộc tấn công chưa từng có của Israel
Tình hình Syria càng trở nên phức tạp khi quân đội Israel tiến hành chiến dịch ném bom nhằm vào hạm đội hải quân của quốc gia láng giềng, các địa điểm bị nghi chứa vũ khí hóa học và các tài sản quân sự khác mà chính quyền Assad để lại.
Israel xác nhận họ đã thực hiện hơn 480 cuộc không kích trong 48 giờ, bắn phá “phần lớn các kho vũ khí chiến lược” ở Syria nhằm ngăn chúng rơi vào tay những phần tử cực đoan. Israel cũng điều quân vào vùng đệm ở Cao nguyên Golan, một động thái được cho là để bảo vệ công dân Israel khỏi các cuộc tấn công.
Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia lên án Israel lợi dụng tình hình hỗn loạn tại Syria để xâm phạm lãnh thổ nước này. Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng đã lên án các hành động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria của Israel.
Syria là một trong số các quốc gia Arab đã tấn công Nhà nước Do Thái lúc mới lập quốc. Mặc dù tồn tại một hiệp định đình chiến được ký vào năm 1949 phân định biên giới giữa hai nước, Syria chưa bao giờ chính thức công nhận sự tồn tại của Israel.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jon Finer thông báo các binh sĩ nước này sẽ ở lại Syria thời “hậu Assad”, như một phần trong sứ mệnh chống khủng bố tập trung vào việc tiêu diệt các chiến binh thuộc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Hiện có khoảng 900 lính Mỹ ở miền Bắc Syria.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)