11/02/2022 - 06:01

Nội bộ Mỹ chia rẽ vì Iran 

Trong khi tiến trình đàm phán ở Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran có tín hiệu tích cực, tranh luận tại Mỹ trở nên gay gắt khi có nhiều nghị sĩ cho rằng những hạn chế áp đặt đối với Tehran là chưa đủ.

Đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna. Ảnh: Getty Images

Đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna. Ảnh: Getty Images

Tuần trước, một trong những thành viên chủ chốt của đảng Dân chủ, thượng nghị sĩ Bob Menendez đã có bài phát biểu gần một tiếng đồng hồ để phản đối việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ở định dạng ban đầu thay vì bằng một thỏa thuận mới. “Thời điểm này, chúng ta phải nghiêm túc đặt câu hỏi, đó là chúng ta chính xác đang cố gắng cứu vãn cái gì?” - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chất vấn.

Trước đó, nhiều thành viên đảng Dân chủ khác cùng phe Cộng hòa cũng liên tục gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Joe Biden. Phần lớn chung quan điểm, cho rằng những quy định hiện nay chỉ hạn chế mà không vô hiệu hóa cái gọi là “chương trình hạt nhân leo thang nguy hiểm” của Iran. Hiệp ước cũng bị cho không giải quyết những mối quan ngại chính liên quan chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, cũng như sự hỗ trợ của họ cho các lực lượng thù địch với Mỹ cùng đồng minh trên khắp Trung Đông.

Trái với các nhà lập pháp, nhiều nhóm vận động ủng hộ chính sách ngoại giao của Mỹ với Iran lại tán thành chủ trương của Nhà Trắng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Việc quay lưng với ngoại giao bị cảnh báo vô cùng phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ.

Tín hiệu tích cực

Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký giữa Iran với nhóm các cường quốc P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Thỏa thuận yêu cầu Cộng hòa Hồi giáo thu hẹp quy mô chương trình hạt nhân và giảm số lượng dự trữ uranium để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Năm 2018, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran như một phần của chiến dịch “gây áp lực tối đa”. Tehran trả đũa bằng cách tăng cường phát triển chương trình hạt nhân trong nước, vượt quá giới hạn mà JCPOA đặt ra.

Khi lên kế nhiệm, Tổng thống Biden cam kết đưa Mỹ tái gia nhập JCPOA. Từ tháng 4-2021, Iran và các cường quốc khác trong nỗ lực cứu vãn đã nối lại đàm phán trực tiếp tại Vienna, trong khi Mỹ tham gia gián tiếp. Mục đích chính của tiến trình này là để các bên thảo luận về triển vọng trở lại của Mỹ cũng như biện pháp bảo đảm tất cả thực hiện đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận. Sau 8 vòng đàm phán, việc “không bên nào chịu nhường bên nào” vẫn đang là rào cản lớn nhất khiến các nước chưa tìm ra con đường quay trở lại thỏa thuận.

Đến hôm 8-2, tiến trình đối thoại được nối lại tại Vienna với một số dấu hiệu tích cực, bao gồm quyết định bất ngờ của Washington tái áp dụng lệnh miễn trừng phạt Iran. Giới chức Mỹ xác định đây là động thái cần thiết cho việc khôi phục JCPOA khi các cuộc đàm phán đang đi vào “giai đoạn cuối”.

Việc tái gia nhập JCPOA hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Tổng thống Mỹ và những người phản đối sẽ cần đa số 2/3 trong Quốc hội để vượt qua quyền phủ quyết của ông Biden đối với bất kỳ đạo luật nào nhằm ngăn chặn việc tái tham gia thỏa thuận. Diễn biến này có thể kích hoạt làn sóng chỉ trích một khi Nhà Trắng đưa ra quyết định, đặc biệt trước thời điểm cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.

MAI QUYÊN (Theo Hill, Al Jazeera) 

Chia sẻ bài viết