02/07/2015 - 21:29

Nỗ lực thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội

Chính phủ vừa tổ chức họp trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành trung ương, địa phương tập trung khắc phục các yếu kém, thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách và giải pháp nhằm phấn đấu thực hiện đạt và vượt các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2015.

Chuyển biến tích cực

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng cao về số lượng, cho thấy các tín hiệu tích cực về sự phục hồi sức mua, tổng cầu. Tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức ổn định và giảm so với cuối năm 2014, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói riêng cũng đạt được mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, hoạt động phát triển doanh nghiệp chuyển biến tích cực, với số doanh nghiệp và số vốn đăng ký thành lập mới tăng cao, trong khi số doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động và giải thể đều giảm so với cùng kỳ. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Công tác bảo đảm an toàn giao thông tiếp tục đạt kết quả tích cực, tai nạn giao thông giảm cả về số vụ tai nạn và số người bị thương vong.

Phân loại, xử lý đóng gói bưởi da xanh phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại Cơ sở Hương Miền Tây, tỉnh Bến Tre.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng GDP quý II ước đạt 6,44% cao hơn mức tăng 6,08% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm GDP tăng 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 khu vực, chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, hai khu vực còn lại, nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Song, nền kinh tế vẫn đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là tình hình bất lợi từ yếu tố thời tiết và thị trường xuất khẩu. Nhập siêu quý II đã giảm so với quý I nhưng tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu khoảng 3,75 tỉ USD, bằng 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (kế hoạch năm 2015, nhập siêu 5%). Theo dự báo của ngành chức năng, mức nhập siêu có thể tăng hơn khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà phục hồi trong các tháng cuối năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, thị trường của doanh nghiệp còn gặp khó và ảnh hưởng của tình hình thiên tai, hạn hán tại nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nên khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng nhìn nhận: "Tình hình hạn hán và những khó khăn về thị trường tiêu thụ đã tác động nhiều đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với lĩnh vực trồng trọt. Trong điều kiện nhiều loại nông sản có đầu ra xuất khẩu chậm, thời gian qua ngành nông nghiệp cũng phải chủ động khuyến cáo các địa phương không tăng sản lượng một số loại nông sản nhằm hạn chế việc giảm giá bán, ảnh hưởng xấu đến thu nhập của nông dân". Theo dự báo của các bộ ngành trung ương và địa phương, dù kinh tế 6 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, nhưng với đà hồi phục của kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô trong nước sẽ tiếp tục xu hướng ổn định và lạm phát được duy trì ở mức thấp trong 6 tháng cuối năm. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện nhờ tăng trưởng của khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng, đặt biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục tăng cao sẽ là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng.

Nỗ lực và quyết tâm

Với các kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm, các bộ ngành dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2015 có thể đạt trên 6,2%. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành trung ương và địa phương phải ra sức khắc phục các yếu kém và tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách và giải pháp nhằm tháo gỡ ngay các khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó, cần tăng cường các biện pháp tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản tại thị trường truyền thống. Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển theo đặc thù từng ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cho biết: "Các địa phương cần tăng cường hướng dẫn nông dân sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi mà thị trường có nhu cầu như: hạt điều, cây ăn quả có múi, ngô (nhất là trong điều kiện khô hạn), chăn nuôi bò, bò sữa, tôm (tôm thẻ chân trắng. Khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, quan tâm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ động ứng phó thiên tai…". Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, gần đây thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực, đặc biệt nhu cầu nhà ở xã hội hiện rất lớn, lên đến 1 triệu căn. Các địa phương cần quan tâm tạo quỹ đất và điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, cần rà soát, phân loại, cơ cấu lại các dự án bất động sản và siết chặt việc quản lý thị trường gắn với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, tránh lệch pha giữa cung và cầu, giảm rủi ro cho đầu tư bất động sản.

Tại phiên họp trực tuyến, nhiều ý kiến của các bộ, ngành và địa phương cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, hạn chế nhập siêu cần tăng cường các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu trong khuôn khổ cam kết quốc tế. Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ ngay các "rào cản" trong hoạt động xuất khẩu cũng như tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và bảo vệ thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang, kiến nghị, Chính phủ cần xem xét sửa đổi ngay Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra cho phù hợp với tình hình thực tế, để tạo thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu cá tra cho doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, kiến nghị các bộ ngành trung ương cần sớm ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số luật, nhất là các luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 có liên quan rất lớn đến các địa phương, doanh nghiệp và vấn đề hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ ngành trung ương và địa phương phải nỗ lực vào cuộc, thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Quan tâm chăm lo và nâng cao đời sống cho nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời tăng cường quốc phòng an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách và chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, bao gồm các luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2015.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết