12/02/2018 - 11:04

Những thành phố sắp cạn kiệt nước sạch 

70% bề mặt Trái Đất là nước, song tỷ lệ nước sạch uống được chỉ có 3%. Theo dự báo từ Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhu cầu nước sạch toàn cầu sẽ vượt nguồn cung 40% vào năm 2030, do tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động của con người và gia tăng dân số. Một cuộc điều tra ở 500 thành phố lớn nhất thế giới phát hiện 1/4 trong số đó đang rơi vào tình trạng khan hiếm nước. Cuộc khủng hoảng thiếu nước ở Cape Town (Nam Phi) chỉ là phần nổi của tảng băng trôi vì theo phân tích của hãng tin Anh BBC, 10 thành phố sau đây sắp cạn kiệt nguồn nước sạch:

São Paulo (Brazil)

Trung tâm tài chính của Brazil từng trải qua cuộc khủng hoảng nước sạch tương tự Cape Town hiện nay hồi năm 2015, khi nguồn cung nước chính của thành phố còn chưa đầy 4% trữ lượng. Vào lúc đỉnh điểm, thành phố có hơn 21,7 triệu dân này không đủ nước để dùng trong 20 ngày và cảnh sát buộc phải hộ tống các xe chở nước để ngăn chặn nạn cướp bóc. Tuy cuộc khủng hoảng nước được xem là “kết thúc” vào năm 2016, nhưng đến tháng 1- 2017 trữ lượng nước của São Paulo lại giảm thấp hơn 15% so với dự báo, một lần nữa đặt ra nghi ngại về nguồn cung nước của thành phố trong tương lai.

Bắc Kinh (Trung Quốc)

Tuy chiếm gần 20% dân số thế giới nhưng Trung Quốc chỉ sở hữu 7% nước sạch toàn cầu. Riêng tại Bắc Kinh, hơn 20 triệu dân đang sống trong cảnh thiếu nước sạch, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm nguồn nước. Các số liệu gần đây cho thấy 40% nước mặt (như sông, suối, ao, hồ) bị ô nhiễm tới mức không dùng được cho mục đích nông nghiệp lẫn công nghiệp.

Bangalore (Ấn Độ)

Việc nổi lên như một trung tâm công nghệ của đất nước, kéo theo sự phát triển ồ ạt của các tòa nhà, đã khiến thành phố Bangalore chật vật với việc quản lý các hệ thống cấp nước sạch và xử lý nước thải. Hệ thống ống nước đang xuống cấp, gây rò rỉ 50% nước sạch, càng làm cho tình trạng thiếu nước ở Bangalore thêm trầm trọng. 

Mặt khác, Ấn Độ cũng bị ô nhiễm nguồn nước giống như Trung Quốc, nên Bangalore cũng không ngoại lệ. Một đánh giá chuyên sâu về các hồ chứa trong thành phố cho thấy 85% lượng nước chỉ có thể dùng tưới tiêu và làm mát công nghiệp. Không một hồ nào có nước sạch để uống hoặc tắm giặt.

Cairo (Ai Cập)

Sông Nile vốn là nguồn cung 97% lượng nước cho Ai Cập, song cũng là “điểm đến” rác nông nghiệp và rác thải sinh hoạt chưa xử lý với số lượng ngày một tăng. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, Ai Cập là một trong những nước thu nhập trung bình thấp dẫn đầu về số người chết do ô nhiễm nguồn nước. LHQ dự báo Ai Cập sẽ bị thiếu nước nghiêm trọng vào năm 2025.

Jakarta (Indonesia)

Giống như nhiều thành phố duyên hải khác, Jakarta cũng đang đối mặt với mối nguy thiếu nước ngọt từ tình trạng nước biển dâng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do con người gây ra. Cụ thể, với thực trạng hơn 50% trong số 10 triệu dân không được tiếp cận với nước máy, hoạt động khoan giếng trái phép diễn ra tràn lan và hủy hoại các mạch nước ngầm, dẫn tới sụt lún đất. Hiện khoảng 40% dân số ở Jakarta hiện sống dưới mực nước biển (đồng nghĩa nguồn nước bị nhiễm mặn). 

Mát-xcơ-va (Nga)

1/3 trữ lượng nước ngọt của thế giới nằm ở Nga, nhưng nước này đang bị ảnh hưởng bởi các vấn đề ô nhiễm do “di sản” công nghiệp từ thời Xô viết. Điều đó đặc biệt đáng lo ngại cho Mát-xcơ-va, nơi mà nguồn cung nước phụ thuộc tới 70% vào nước mặt (sông, hồ, ao, suối). Các cơ quan quản lý chính phủ thừa nhận có 35-60% tổng trữ lượng nước sạch ở Nga không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

Một hồ nước đã khô trơ đáy suốt 10 tháng qua gần thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: BBC

Một hồ nước đã khô trơ đáy suốt 10 tháng qua gần thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: BBC

Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)

Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận nước này đang trong tình trạng thiếu nước và các chuyên gia cảnh báo tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn vào năm 2030. Những năm gần đây, các khu vực đông dân như Istanbul (14 triệu người) đã hứng chịu tình trạng thiếu nước trong những tháng khô hạn. Đơn cử vào đầu năm 2014, mực nước tại hồ chứa nước của thành phố đã giảm xuống dưới 30% trữ lượng.

Mexico City (Mexico)

Thiếu nước là chuyện thường ngày đối với nhiều người ở thủ đô của Mexico, khi chỉ 20% cư dân trong số 21 triệu người chỉ có vài giờ để lấy nước máy mỗi tuần và 20% có nước vài giờ trong ngày. Thành phố hiện nhập khẩu 40% lượng nước cần dùng và không có cơ sở tái chế nước thải quy mô lớn, trong khi tỷ lệ thất thoát nước do đường ống cũ kỹ ước tính lên tới 40%.

Luân Đôn (Anh)

Với lượng mưa trung bình hàng năm rất ít, chỉ khoảng 600mm, Luân Đôn lấy 80% lượng nước cần dùng từ các con sông (như sông Thames và sông Lee). Theo giới chức Luân Đôn, thành phố sẽ khó cung cấp đủ nước vào năm 2025 và “thiếu hụt nước nghiêm trọng” vào năm 2040.

Miami (Mỹ)

Florida là một trong 5 bang ở Mỹ có mưa nhiều song thành phố Miami của tiểu bang này lại đối mặt với “cuộc khủng hoảng nước”. Lý do là một dự án hồi đầu thế kỷ 20 về việc khơi thông nguồn nước những khu đầm lầy gần Miami đã khiến nước mặn từ Đại Tây Dương xâm nhập vào nguồn nước ngọt chính của thành phố. Tuy vấn đề được phát hiện vào những năm 1930, nhưng chính quyền chưa có cách khắc phục triệt để, trong khi Miami còn đối mặt với tình trạng nước biển dâng. 

ĐÔNG PHONG (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết