13/11/2012 - 21:25

Những lưu ý về bệnh đái tháo đường ở người trẻ tuổi

Luyện tập thể thao phù hợp cũng là cách để kiểm soát đường huyết tốt. (ảnh minh họa)

Nhiều người quan niệm, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường chỉ gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này. Sau đây là những điều cần lưu ý và những khuyến cáo của bác sĩ đối với các bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh ĐTЅ

Tròn 20 tuổi, P.T.Diễm (quê ở tỉnh Sóc Trăng), hiện là sinh viên năm nhất Trường Đại học Cần Thơ, đã bị bệnh ĐTĐ 2 năm nay. Diễm kể: "Năm học lớp 11, em thường xuyên bị chóng mặt, người hay mệt mỏi, khát nước, thỉnh thoảng còn ngất xỉu. Gia đình đưa đi khám bác sĩ, mới phát hiện bệnh ĐTĐ. Mẹ không an tâm, nên thu xếp việc nhà, cùng lên Cần Thơ ở trọ, để tiện việc theo dõi sức khỏe và chăm sóc em". Cũng mắc bệnh ĐTĐ, anh P.H.S (37 tuổi), đang làm việc tại một công ty xây dựng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết: "Tôi phát hiện bệnh trong dịp công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Trước đó, tôi bị sụt cân nhanh, nhưng cứ tưởng mắc bệnh gì, chớ không nghĩ là ĐTĐ. Bác sĩ khuyên tôi phải hạn chế bia rượu, thuốc lá nhưng khó quá, khi công việc của tôi phải thường xuyên giao tiếp, tiệc tùng…".

Theo Bác sĩ CK2 Trần Quốc Luận, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán y khoa TP Cần Thơ, những năm gần đây, trong số nhiều người đến khám và phát hiện bệnh ĐTĐ tại trung tâm thì những trường hợp mắc bệnh rơi vào độ tuổi dưới 45 không phải hiếm. Đây là bệnh lý mãn tính, không lây, ngoài nguyên nhân do một số yếu tố khách quan như: di truyền, tác động môi trường, địa lý, sắc tộc… còn do chế độ dinh dưỡng và thay đổi lối sống như: ăn uống không điều độ, quá thừa năng lượng, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, ít vận động..., kèm theo áp lực công việc, căng thẳng kéo dài. Đáng lo ngại là bệnh ĐTĐ diễn ra âm thầm, nhiều người không biết mình bị mắc bệnh, dẫn đến việc phát hiện trễ.

Năm nay, Ngày Thế giới phòng chống bệnh ĐTĐ (14-11), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, hiện có hơn 346 triệu người trên thế giới mắc bệnh ĐTĐ, trong đó, 80% bệnh nhân bị tử vong thuộc các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nếu không sớm có biện pháp can thiệp, số người mắc bệnh có thể tăng lên gấp đôi, vào năm 2030. Tại Việt Nam, theo điều tra toàn quốc, năm 2002, tỷ lệ người bệnh ĐTĐ là 2,7% dân số, riêng các thành phố lớn là 4,4%. Đến năm 2008, tỷ lệ người bệnh ĐTĐ đã tăng lên 5,7%, tương đương khoảng 5 triệu người, trong đó, hơn 60% chưa được chẩn đoán.

ĐTĐ là một bệnh lý hàng đầu gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, là nguyên nhân chính dẫn tới mù lòa và suy thận giai đoạn cuối, cần phải được lọc máu hay ghép thận. ĐTĐ là nguyên nhân thứ hai gây cắt cụt chi do tắc mạch. Ngoài ra, trên 70% bệnh nhân lớn tuổi bị ĐTĐ có tăng huyết áp, 70% tử vong ở bệnh nhân ĐTĐ liên quan biến chứng tim mạch... Khi mắc ĐTĐ, người bệnh nên đến các bác sĩ chuyên khoa, để được tư vấn hướng điều trị phù hợp, trong đó, chú trọng thay đổi lối sống, biết tự chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh và dùng thuốc đúng cách. BS Trần Quốc Luận khuyên, điều quan trọng nhất trong điều trị bệnh ĐTĐ cũng như ngăn ngừa những biến chứng do ĐTĐ, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, là mọi người cần kiểm soát đường huyết tốt ngay từ bây giờ, bằng nhiều biện pháp khác nhau. Việc kiểm soát đường huyết tốt sẽ giúp bệnh nhân chậm xuất hiện các biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh có thể lao động, học tập, vui chơi, giải trí, hòa nhập cuộc sống, gần như người bình thường.

Muốn vậy, điều trước tiên, cần thay đổi lối sống với chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý. Duy trì chế độ ăn hợp lý, cần đáp ứng các yêu cầu: ăn đủ năng lượng, cân đối tỷ lệ các thành phần tinh bột, chất đạm, chất béo; không để tạo năng lượng dư thừa, ăn nhiều loại thực phẩm, nhất là rau xanh, trái cây giàu chất xơ...; chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, không để quá đói hay ăn quá no; hạn chế thực phẩm gây tăng đường huyết như: gạo, bánh mì, khoai tây, nước ngọt…; hạn chế ăn mặn và thức ăn chế biến sẵn, mỡ động vật, bia, rượu; uống đủ nước... Ăn uống lành mạnh quan trọng với mọi người, kể cả người trẻ tuổi bệnh ĐTĐ; sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu, không gây ra các biến chứng do tăng hay giảm đường máu nhưng vẫn đảm bảo năng lượng hoạt động cần thiết. Để xây dựng thói quen ăn uống tốt, khẩu phần ăn hợp lý, tốt nhất nên tham khảo trước ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa hoặc các chuyên gia dinh dưỡng về bệnh ĐTĐ.

Ngoài ra, luyện tập thể dục đều đặn cũng là cách giúp ích cho việc phòng và điều trị bệnh ĐTĐ hiệu quả. Hình thức tập luyện đơn giản và nhẹ nhàng nhất là đi bộ khoảng 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần. Tùy theo tình trạng sức khỏe, sở thích mà mỗi người có thể lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp như: chạy bộ, xe đạp, bơi lội, cầu lông... Thời gian và cường độ tập luyện, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị, không nên tập luyện khi bệnh trở nặng hoặc đang mắc bệnh lý cấp tính khác. Điều thứ hai, cần dùng thuốc phù hợp và theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa với việc tiếp cận trung tâm từng cá thể bệnh nhân khác nhau, để đạt được mục tiêu đường huyết phù hợp nhất. Điều trị các yếu tố thuận lợi hoặc các biến chứng đi kèm như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thiếu máu cục bộ cơ tim… để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra hoặc chậm diễn tiến nặng thêm.

NGUYỆT HƯƠNG

Chia sẻ bài viết