03/11/2017 - 21:33

Những kiểu cấp cứu sai và cách khắc phục 

Trong tình huống cấp bách như bỏng, tai nạn đổ máu hay động kinh, việc sơ cấp cứu kịp thời và đúng cách có thể giúp nạn nhân thoát khỏi nguy kịch. Dưới đây là một số trường hợp mà chúng ta thường cấp cứu sai cách cần phải khắc phục:

Đặt vật cứng vào miệng người động kinh. Cách này chỉ khiến người bị động kinh gặp thêm rủi ro khác, chẳng hạn như gãy răng. Trong tình huống này, hãy đặt một vật mềm dưới đầu nạn nhân để họ không bị thêm bất kỳ chấn động não nào. Khi cơn co giật qua đi, hãy cho họ nằm nghiêng (ảnh).

Để người bị bất tỉnh nằm ngửa. Việc này có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân bởi khi nằm ngửa, lưỡi của họ có thể thụt vào trong, gây tắt đường thở. Hãy cho nạn nhân nằm nghiêng và đừng cố kéo lưỡi họ ra.

Vỗ vào lưng người bị nghẹt thở. Đây là một sai lầm mà chúng ta thường mắc phải, bởi hành động vỗ vào lưng người bị nghẹt thở có thể làm họ khó thở hơn. Thay vào đó, hãy giúp họ cúi người về trước và yêu cầu thở chậm.

Kéo lê người bị thương hoặc gặp tai nạn. Nếu ai đó gặp tai nạn, đừng vội kéo họ ra khỏi xe bởi bạn có thể làm vết thương nặng thêm, thậm chí đe dọa tính mạng của họ. Chỉ kéo nạn nhân ra khỏi xe nếu thấy có nguy cơ cháy nổ. Tốt nhất là gọi cấp cứu, cầm máu tạm thời và trấn an nạn nhân trong lúc chờ nhân viên y tế.

Xoa bóp khi bị bỏng lạnh. Việc chà xát vùng cơ thể bị tê cóng hay bỏng lạnh (da và mô bị tổn thương do tiếp xúc với môi trường lạnh quá lâu) là cách làm không đúng bởi nó có thể tổn hại các mao mạch và khiến tình trạng thêm trầm trọng. Cách tốt nhất là làm ấm dần vùng cơ thể bị ảnh hưởng, ví dụ đưa bàn tay bị tê cóng vào nước lạnh và tăng dần nhiệt độ của nước.

Thoa thuốc mỡ lên vết bỏng. Da bị bỏng tạo ra lượng nhiệt lớn, nên việc bôi thuốc mỡ hay kem trị bỏng lên vết thương chỉ làm nhiệt không thoát ra được. Cách sơ cứu đúng là ngâm chỗ bỏng trong nước lạnh ít nhất 15 phút rồi thoa thuốc mỡ.

Buộc ga-rô cầm máu. Ga-rô là biện pháp cầm máu tạm thời bằng dây cao su hoặc dây vải, buộc chặt phía trên vết thương để ngăn máu chảy nhiều. Tuy nhiên, biện pháp buộc ga-rô chỉ cần thiết khi bị chảy máu động mạch, tức là máu phun thành tia, chảy ồ ạt và có nguy cơ mất máu đến chết. Cách xử trí là dùng tay ấn vào động mạch ở háng hoặc dưới nách, sau đó buộc ga-rô.

TRÍ VĂN (Theo Times of India, bornrealist.com)

 

Chia sẻ bài viết