“Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi” gồm 5 tập (do NXB Trẻ phát hành trong quí I/2009), tập hợp những tác phẩm đặc sắc viết về thiếu nhi của gần 100 nhà văn tiêu biểu của Việt Nam. Mỗi câu chuyện là một góc cạnh của thế giới hồn nhiên, trong sáng và đầy màu sắc của trẻ thơ.
Hàng trăm truyện ngắn đặc sắc đã được Trần Hoài Dương tuyển chọn, trình bày có hệ thống. Mỗi quyển giới thiệu trên dưới 20 tác giả, mỗi tác giả có từ 1-5 tác phẩm. Sách cũng giới thiệu tóm tắt về mỗi tác giả trước các tác phẩm của họ, giúp độc giả hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của mỗi người. Người đọc có thể gặp từ những nhà văn nổi tiếng như: Nguyên Hồng, Thạch Lam, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thi, Anh Đức, Đoàn Giỏi, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Sáng... đến những nhà thơ như: Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Quỳnh, Quang Dũng... hay các nhà văn trẻ hơn với những trang văn ngọt ngào, dễ thương dành cho thiếu nhi.
Thế giới trong sáng, hồn hậu và đáng yêu của trẻ thơ được phản ánh thông qua những câu chuyện cụ thể. Đơn cử như chuyện cậu bé Thăng buồn vì ba mẹ không mua cho chiếc xe hơi điện tử giống bạn, nhưng hôm sau đã rất vui và hãnh diện vì được ba làm cho một ống sáo thổi rất hay mà bạn bè không ai có (“Đâu phải thứ gì cũng mua được” của Đoàn Thạch Biền); hay như cô y sĩ thường đến những đảo nhỏ giúp các bà mẹ sinh con trong mắt một cô bé là nàng tiên đáng mến và cô ước ao sau này lớn lên sẽ trở thành nàng tiên như thế (“Nàng tiên đảo Ngọc” của Lý Biên Cương). Những đồ vật bình thường, cảnh vật xung quanh, chim muông- thú vật, trường lớp... qua cái nhìn của trẻ thơ cũng trở nên sinh động và đầy thú vị. Chẳng hạn, miếng vá bằng vải xanh trên cánh buồm trắng của bố trong mắt cô bé Nhi trở thành con mắt của cánh buồm, “Con mắt đó dẫn thuyền của bố mỗi chiều về trên bãi” (“Con mắt của cánh buồm” của Trần Nhật Thu), hay chú bé trong truyện “Cây cúc tần” của Nguyễn Thị Như Trang có những câu hỏi ngây thơ, ngộ nghĩnh như: “Con chuồn chuồn kim nó bằng cái tẹo thì đẻ con thế nào? Tại sao cũng biết kéo xe mà con bò thì có sừng còn con ngựa thì không?”.
Hình ảnh của những thiếu niên anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rất sống động qua các tác phẩm: “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” của Xuân Sách, “Người vẽ mắt thuyền” của Trúc Chi, “Mùa thu rồi” của Hoàng Văn Bổn... hay những câu chuyện về các nhân vật lịch sử như Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Trần Quốc Toản, Nguyễn Trãi... cũng được các nhà văn thể hiện rất gần gũi, dễ hiểu. Trong bộ sách này, bạn đọc còn gặp lại những tác phẩm nổi tiếng một thời như: “Mẹ vắng nhà” của Nguyễn Thi, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Cái Tết của mèo con” của Nguyễn Đình Thi, “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng...
Có những truyện ngắn là những câu chuyện rất “đời”, rất xúc động như: “Sau cơn lũ” của Kim Hài làm người đọc bàng hoàng khi cơn lũ nghiệt ngã cuốn đi bao tài sản của người dân và ước mơ của các em học sinh; truyện “Thôi học” của Minh Quân lột tả tâm trạng đau khổ của cậu bé ham học mà bị ép nghỉ học; truyện “Người bắt rắn cuối cùng” của Thy Ngọc kể về ông lão chuyên bắt rắn nhưng đã hy sinh bản thân để cứu một cô bé bị rắn đuổi... Có những tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Ông già về hưu và những đứa trẻ” của Anh Đức, “Đứa con nuôi” của Nguyễn Khải, “Thầy giáo dạy vẽ” và “Người làm đồ chơi” của Xuân Quỳnh... nói về tình người: sự bao dung và lòng nhân ái của những người lớn với những đứa trẻ, thậm chí những em học sinh đã giúp những người lớn đang chán nản lấy lại niềm tin và hy vọng...
“Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi” là bộ sách hay, được tuyển chọn công phu, xứng đáng có trong tủ sách của các em thiếu nhi và những người yêu văn học.
Lệ Thu