04/02/2024 - 13:53

Những điểm nhấn hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông 

Siêu cường Mỹ hiện diện quân sự khắp thế giới và Trung Ðông cũng không ngoại lệ. Ðó là chưa kể sự hiện diện thường trực của tàu chiến Mỹ tại khu vực. Do đó, nếu rút quân khỏi Iraq và Syria, các lực lượng vũ trang Mỹ tại Trung Ðông vẫn dày đặc và sẵn sàng hành động quân sự nhằm bảo vệ lợi ích toàn cầu của Washington.

Các căn cứ và cơ sở quân sự của Mỹ tại Trung Đông. Ảnh: Reuters

Tại Jordan, dư luận khu vực và quốc tế vừa biết đến căn cứ quân sự Tower 22 của Mỹ khi nó bị tấn công bằng máy bay không người lái khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và ít nhất 34 người khác bị thương. Lầu Năm Góc cho biết căn cứ này có khoảng 350 binh sĩ lục quân và không quân đồn trú. Tiền đồn quân sự nằm ở sa mạc thuộc miền Ðông Bắc Jordan này chỉ cách biên giới Iraq 10km và cách căn cứ quân sự al-Tanf của Mỹ tại Syria khoảng 20km. Ðây là căn cứ bí mật, bởi Chính phủ Jordan thậm chí phủ nhận sự tồn tại của Tower 22 bên trong lãnh thổ nước này sau vụ tấn công hôm 27-1.

Tính đến tháng 6-2023, Mỹ triển khai khoảng 3.000 binh sĩ tại Jordan theo yêu cầu của chính phủ nước này nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như giúp tăng cường an ninh và ổn định khu vực.

Trong khi đó, dù có mối quan hệ tốt với Iran nhưng Qatar là nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Trung Ðông. Căn cứ Al Udeid nằm ở khu vực sa mạc Tây Nam của thủ đô Doha với sự có mặt của ít nhất 8.000 binh sĩ Mỹ và là nơi đặt trụ sở khu vực của Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM). Al Udeid từng là trung tâm trọng yếu của CENTCOM trong các chiến dịch trên không bên trong lẫn xung quanh Afghanistan, Iran và khắp Trung Ðông.

Ðáng chú ý khác, Bahrain là nơi đặt trụ sở của Bộ tư lệnh trung tâm của Hải quân Mỹ (NAVCENT) và Hạm đội 5 tại căn cứ hải quân NSA Bahrain. Bahrain cũng là quốc gia duy nhất tại Trung Ðông có căn cứ hải quân cố định ngoài khơi của Mỹ và cảng Khalifa bin Salman là một trong số ít cơ sở tại vùng Vịnh có thể tiếp nhận tàu sân bay và tàu đổ bộ của Mỹ.

Riêng Kuwait là nơi có sự hiện diện binh sĩ Mỹ nhiều nhất tại khu vực với khoảng 13.500 người. Hàng ngàn binh sĩ đã đóng tại Kuwait từ năm 1991 khi liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu phát động chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất chống lại Iraq.

Các lực lượng vũ trang Mỹ tại các quốc gia Trung Đông khác gồm: Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có 3.500 binh sĩ Mỹ, Saudi Arabia có 2.700 quân, Iraq 2.500 binh sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ 1.885 binh sĩ, Syria 900 quân, Oman vài trăm binh sĩ. Tổng cộng có khoảng 45.400 binh sĩ Mỹ tại Trung Đông. Tuy nhiên, không rõ Mỹ có bao nhiêu binh sĩ tại đồng minh thân cận nhất là Israel. 

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết