Sáng 17-3, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Họp báo công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2020 (APCI 2020).

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Báo cáo cho thấy, đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm TTHC thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá ở mức cao nhất, tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Thái Bình có thực tiễn tốt nhất về chỉ số thành phần thời gian thực hiện nhóm TTHC thuế với trung bình là 0,9 giờ. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có điểm số tốt nhất trong số các vùng kinh tế trọng điểm và thời gian thực hiện ngắn nhất là 1,9 giờ, trong khi Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL có điểm số thấp nhất khi doanh nghiệp trung bình phải bỏ ra 9,5 giờ, tương đương với hơn 1 ngày làm việc, để hoàn thành 1 TTHC thuế. Sự cải thiện của nhóm thuế là do có sự giảm lớn tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp. Thành công đó có được nhờ vào việc áp dụng việc xử lý TTHC trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” được liên tục duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.
Đứng thứ hai về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC kiểm tra chuyên ngành với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm kiểm tra chuyên ngành được phản ánh cả ở thời gian và chi phí trực tiếp. Nhóm này có thể còn tiếp tục được duy trì nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục và kết nối với cơ quan hải quan.
Đứng thứ ba về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC môi trường, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,5 điểm so với năm 2019.
Đứng thứ tư về mức độ cải thiện APCI là nhóm TTHC điều kiện kinh doanh, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019.
Mức độ cải thiện theo từng chỉ số thành phần của các nhóm TTHC

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp APCI 2020
Ngược lại với các nhóm TTHC khởi sự doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới là 5 nhóm thủ tục có điểm giảm so với APCI 2019. Mặc dù nhóm thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai và giao dịch thương mại qua biên giới vẫn là những nhóm có điểm APCI tốt trong năm 2020 so với các nhóm khác, nhưng lại giảm điểm so với chính nhóm đó ở năm 2019. Vấn đề này đặt ra yêu cầu công tác cải cách luôn phải được duy trì bền bỉ.
Phát biểu tại buổi công bố, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chỉ ra 4 bài học cải cách từ APCI 2020. Trong đó, nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương là ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Thứ hai là phải tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức, để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Thứ ba, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ TTHC. Bài học thứ tư là APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sẽ đem lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Song song với việc thúc đẩy chuyển đổi từ thái độ và trách nhiệm công vụ sang thái độ và trách nhiệm phục vụ người dân của cơ quan và cán bộ nhà nước, việc thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử sẽ hỗ trợ cắt giảm các áp lực tiếp xúc trực tiếp của cán bộ trong bộ máy hành chính, tạo điều kiện cho cán bộ tập trung giải quyết các vấn đề chuyên môn hiệu quả hơn.
APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm TTHC quan trọng gồm: đầu tư; giao dịch thương mại qua biên giới; khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; môi trường; giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đất đai; xây dựng; thuế và kiểm tra chuyên ngành.
Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC đã nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin thông qua phiếu khảo sát của gần 3.000 doanh nghiệp thực hiện các TTHC trên cả nước trong 6 tháng cuối năm 2019 (từ tháng 7 đến tháng 12-2019) về thời gian và các chi phí cần thiết để thực hiện TTHC. Nhóm tư vấn cũng tiếp nhận các ý kiến trực tiếp thông qua khảo sát chuyên sâu với các cơ quan quản lý nhà nước thuộc địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia và các doanh nghiệp tại 7 tỉnh, thành phố (Lạng Sơn, Nam Định, Hà Nội, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh).
|
Thanh Vân - Danh Lam (TTXVN)