03/08/2024 - 17:22

Nhiều hệ lụy do thiếu học sinh ở Trung Quốc 

Ngoài việc đóng cửa nhiều trường lớp, nhiều địa phương tại Trung Quốc đang phải cắt giảm việc tuyển dụng giáo viên do lượng học sinh giảm trong những năm gần đây, qua đó phản ánh thách thức nhân khẩu học ngày càng sâu sắc của quốc gia Ðông Á này.

 Một lớp học tại Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock

Tình trạng trên càng làm tăng thêm sự bất ổn cho thị trường việc làm vốn đã ảm đạm trong bối cảnh Trung Quốc đang cố gắng tạo đủ việc làm cho lực lượng lao động khổng lồ của nước này, đặc biệt là những sinh viên mới tốt nghiệp.

Giới chức giáo dục tỉnh Giang Tây cho biết, số giáo viên được tuyển dụng mới ở các cấp mầm non, tiểu học và trung học trong năm nay sẽ bị cắt giảm tới 54,7%, xuống chỉ còn 4.968 người, chưa bằng 1/3 lượng giáo viên được tuyển dụng cách đây 2 năm. Trong khi đó ở tỉnh Hồ Bắc, lượng giáo viên được tuyển dụng giảm 20% so với năm ngoái. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do lượng học sinh giảm dần trong bối cảnh Trung Quốc đang có tỷ lệ sinh “cực thấp” khi mỗi phụ nữ sinh chưa tới 1,4 trẻ. Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc ước tính, tỷ lệ sinh tổng thể toàn quốc giảm xuống còn 1,09 vào năm 2022, trong khi tổng số ca sinh trong năm 2023 đã giảm một nửa so với năm 2016, xuống chỉ còn 9,02 triệu ca sinh.

Trong đề xuất cải cách giáo dục hồi cuối tháng 6, Sở Giáo dục Giang Tây thừa nhận: “Tỷ lệ sinh thấp sẽ trở thành một trong những rủi ro chính đối với sự phát triển dân số của đất nước”. Theo chính quyền tỉnh Giang Tây, tỷ lệ trẻ từ 0-15 tuổi của tỉnh đã giảm trong 4 năm qua. Ðáng lo ngại, số trẻ trong độ tuổi này trong năm ngoái giảm tới 480.900 ca, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2020. Trong bối cảnh đó, Sở Giáo dục Giang Tây cho biết các nguồn lực giáo dục phải được cơ cấu lại để ứng phó với tỷ lệ sinh giảm, gồm việc đóng cửa 1/5 số trường học có dưới 100 học sinh ở khu vực nông thôn.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở tỉnh Hồ Nam. Sở Giáo dục Hồ Nam hồi năm ngoái tuyên bố sẽ không xây dựng thêm trường mẫu giáo mới ở khu vực nông thôn. Số trẻ tại các trường mẫu giáo ở Hồ Nam hồi năm 2023 giảm 14,79%, xuống chỉ còn 319.400 trẻ.

Nhiều nơi khác trên khắp Trung Quốc chứng kiến cảnh tương tự. Dữ liệu quốc gia cho thấy lượng trẻ mẫu giáo ở Trung Quốc giảm năm thứ ba liên tiếp. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, số trường mẫu giáo ở nước này hồi năm ngoái chỉ còn 275.000 trường, giảm 14.800 trường so với năm 2022, trong khi lượng trẻ mẫu giáo ở Trung Quốc hồi năm 2023 được ghi nhận là 40,9 triệu trẻ, giảm 5,35 triệu trẻ so với năm 2022.

Các chuyên gia dự báo đến năm 2035, Trung Quốc giảm đến 144.000 trường mẫu giáo, nhà trẻ so với năm 2000. Số trẻ sinh ra giảm từng năm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến những cấp học khác. Các trường cao đẳng, đại học, trường nghề, trường tư thục ở top bình thường sẽ khó tuyển đủ số học sinh, sinh viên trong tương lai.

Thực trạng đóng cửa trường mẫu giáo tăng cũng kéo theo nhiều giáo viên nghỉ việc. Theo các chuyên gia, trong hơn 10 năm tới, Trung Quốc sẽ thừa gần 1,9 triệu giáo viên tiểu học và trung học với đà giảm dân số như hiện nay.

Dong Yuzheng, chủ tịch Hiệp hội Khoa học Xã hội Quảng Ðông, cho biết khu vực nông thôn Trung Quốc đang chịu áp lực lớn hơn từ những thay đổi về nhân khẩu học. Ông Dong cho rằng khi dân số “đô thị hóa” và tập trung ở các thành phố lớn và vừa, dân số khu vực nông thôn sẽ giảm, dẫn đến việc giảm lượng học sinh mầm non.

Trong bối trên, Trung Quốc gần đây đã tăng cường xây nhà trẻ công lập, nhà trẻ phi lợi nhuận để khuyến khích người trẻ sinh con. Áp lực học phí và tìm trường mẫu giáo cho con đi học đã bớt nặng nề hơn tại phần lớn các thành phố lớn khi Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ một phần kinh phí cho bậc học mầm non.

Hàn Quốc, Nhật Bản đồng cảnh ngộ. Một báo cáo gần đây cho thấy tỷ lệ sinh giảm mạnh ở Hàn Quốc sẽ khiến khoảng 1/3 trung tâm giữ trẻ và trường mẫu giáo ở nước này bị đóng cửa vào năm 2028. Theo đó, số trung tâm giữ trẻ và trường mẫu giáo từ con số 39.053 vào năm 2022 giảm xuống còn 26.637 vào năm 2028.
Trong khi đó, theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong giai đoạn 2002-2020, Nhật Bản đã đóng cửa 8.580 trường học công trong bối cảnh dân số quốc gia ngày càng già hóa. Các địa phương trên cả nước cũng phải tìm cách cải tạo các trường học cho mục đích sử dụng khác, tránh lãng phí và giảm thiểu việc phải dỡ bỏ những cơ sở này.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết