05/06/2011 - 21:35

Nhiệm kỳ hai cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc

Tổng thư ký Ban Ki-moon (trái) bắt tay Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong chuyến công du kết hợp “vận động tranh cử” hồi hạ tuần
tháng 4 năm nay.

Các quan chức Liên Hiệp Quốc cho biết Tổng thư ký Ban Ki- moon sẽ sớm tuyên bố ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa (nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào ngày 31-12-2011). Cụ thể, ông Ban dự kiến gặp gỡ đại diện các nước châu Á và Trung Đông trong Nhóm Á châu vào hôm nay 6-6 để thảo luận vấn đề này. Sau đó, ông sẽ tổ chức họp báo để công khai quyết định tái tranh cử. Việc bầu chọn người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh theo kế hoạch sẽ diễn ra vào cuối tháng 6.

Cho tới giờ, chưa có ai ra mặt thách đấu với vị cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc 67 tuổi này. “Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện tại, cơ hội giành chiến thắng của ông Ban Ki-moon là 100%”- một nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an phát biểu với hãng tin Anh Reuters. Sở dĩ người này dám nói chắc như vậy vì Tổng thư ký Ban đã nhận được cam kết ủng hộ từ Mỹ và các thành viên chủ chốt của Hội đồng Bảo an. Trên nguyên tắc, chức danh tổng thư ký do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm đại diện 192 quốc gia thành viên bầu chọn theo giới thiệu của Hội đồng Bảo an, nhưng trong thực tế, ai lọt vào “mắt xanh” của 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại cơ quan quyền lực này là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc thì người đó gần như chắc chắn sẽ đắc cử. Vì thế mà trong những tháng gần đây, ông Ban đã lần lượt tới thăm thủ đô của 5 nước này.

Ông Ban giành được sự hậu thuẫn, hay ít ra là chưa làm mích lòng các cường quốc. So với người tiền nhiệm dám ăn dám nói Kofi Annan, người từng hục hặc với Washington do chỉ trích việc Mỹ xâm lược Iraq hồi năm 2003 là “bất hợp pháp”, thì ông Ban có vẻ không quyết liệt bằng bởi cách tiếp cận vấn đề khá kiềm chế và khả năng tiếng Anh chưa phải là hoàn hảo lắm. Nhưng ông được các nhà ngoại giao ca ngợi vì mạnh mẽ cổ động cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tiến trình giải trừ hạt nhân toàn cầu. Gần đây, việc Tổng thư ký Ban tán thành can thiệp quân sự vào Libye và Bờ Biển Ngà, cũng như công khai ủng hộ những người biểu tình đòi dân chủ ở Bắc Phi và Trung Đông khiến vị thế của ông tăng mạnh tại Mỹ và châu Âu.

Thật ra, ông Ban cũng bị phương Tây phê bình vì ít khi đề cập vấn đề nhân quyền, nhất là ở Trung Quốc. Nhưng nhờ vậy mà ông tranh thủ được cảm tình của Bắc Kinh.

Xem ra, sự khéo léo trong xử lý những vấn đề có liên quan tới các cường quốc góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm một nhiệm kỳ nữa cho ông Ban.

LÊ DÂN

Tổng thư ký Ban Ki-moon (trái) bắt tay Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trong chuyến công du kết hợp “vận động tranh cử” hồi h

Chia sẻ bài viết