02/10/2020 - 10:30

Nhật tính tăng mạnh ngân sách quốc phòng 

Theo dự thảo công bố hôm 30-9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề nghị mức ngân sách kỷ lục trị giá 5.490 tỉ yen (52 tỉ USD) trong tài khóa tới, bắt đầu từ ngày 1-4-2021, tăng 8,3%. Nếu quốc hội thông qua vào cuối năm nay, đây sẽ là năm thứ 9 liên tiếp chi tiêu quân sự của Nhật Bản tăng đều đặn và cũng là mức lớn nhất trong hơn hai thập kỷ.

Chiến đấu cơ phản lực đa nhiệm F-16C Fighting Falcon tiếp nhiên liệu tại Căn cứ Không quân Chitose, Nhật Bản. 
Ảnh: U.S. Air Force

Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết ngân sách quốc phòng Nhật hiện thuộc top 10 thế giới. Tokyo dự kiến dành phần lớn ngân sách cho chương trình nghiên cứu chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo cùng các dự án đóng tàu chiến, tàu ngầm, nâng cấp radar cảnh báo sớm, phát triển thiết bị gây nhiễu, thử nghiệm hệ thống giám sát, vũ khí laser chống máy bay không người lái và nhiều loại vũ khí khác. Bộ Quốc phòng khẳng định những hạng mục kể trên sẽ giúp xây dựng năng lực ứng phó các mối đe dọa mới, bao gồm chiến tranh mạng, không gian và tác chiến điện từ.

Cơ quan này cũng dự trù ngân sách có thể tăng hơn nếu có quyết định về việc thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền Aegis Ashore. Ngoài trở ngại về kỹ thuật và kinh phí vượt dự kiến, kế hoạch nói trên đã bị loại bỏ hồi tháng 6 do vấp phải phản đối từ người dân địa phương. Tuy nhiên, chính quyền mới của Thủ tướng Yoshihide Suga cam kết soạn thảo phương án thay thế vào cuối năm nay. Tuần rồi, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cho biết Tokyo có thể lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển.

Trước khi từ chức vì lý do sức khỏe vào giữa tháng 9, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa thông qua chỉ thị chính phủ nghiên cứu đổi mới chính sách răn đe, cải thiện khả năng tấn công phủ đầu trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng trong khu vực. Jeff Kingston, Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á tại cơ sở Tokyo của Ðại học Temple (Mỹ), dự đoán động thái này vấp phải phản đối trong và ngoài khu vực. Nhưng đây cũng là dấu hiệu của thời đại khi Tokyo tìm cách loại bỏ các ràng buộc trong hiến pháp đối với lực lượng phòng vệ và thế trận an ninh.

Trong khi đó, Phó giáo sư Stephen Nagy tại Ðại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo nhận định Nhật Bản tuy tăng chi tiêu quân sự lên mức kỷ lục nhưng phù hợp với tốc độ tăng trưởng quân sự nhanh chóng của các cường quốc khu vực, đặc biệt tham vọng từ Trung Quốc mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu. Kể từ năm 2000, ngân sách quân sự của nước này tăng khoảng 10% mỗi năm. Bất chấp kinh tế chững lại buộc phải cắt giảm chi tiêu công ở nhiều lĩnh vực, Bắc Kinh hồi tháng 5 công bố tăng ngân sách quốc phòng 6,6% (nâng tổng chi tiêu quân sự lên ít nhất 178 tỉ USD) với lời giải thích Trung Quốc đang đối mặt với “các mối đe dọa thực sự”. Dù cường quốc châu Á mô tả ngân sách quốc phòng năm 2020 của họ là “khiêm tốn nhất trong nhiều năm, chẳng đáng so với chi tiêu của quân đội nước ngoài”, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng mức thực chi của Trung Quốc không kém Mỹ là bao, có thể chỉ ít hơn 13%.

Ngoài thách thức từ Trung Quốc, Giáo sư Heigo Sato thuộc Ðại học Takushoku của Nhật cho rằng mục tiêu nước này mở rộng ngân sách quốc phòng còn vì đối phó nguy cơ Triều Tiên tấn công cũng như thắt chặt quan hệ với Mỹ khi Tổng thống Donald Trump liên tục yêu cầu đồng minh gánh vác nhiều hơn.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết