07/07/2008 - 08:38

Nhật muốn có NASA riêng

Nhật Bản phóng vệ tinh do thám thứ 4 lên quỹ đạo năm 2007. Ảnh: AP

Thông tin trên được chủ nhiệm Ủy ban không gian của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, ông Takeo Kawamura tiết lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với hãng tin Anh Reuters. Theo ông Kawamura - người đã soạn thảo và thúc đẩy việc thông qua dự luật không gian Nhật, trong thập niên tới, Tokyo muốn thành lập Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia (NASA) giống như mô hình của Mỹ nhằm tăng cường khả năng giám sát các quốc gia láng giềng, đồng thời giúp phát triển ngành công nghiệp không gian của Nhật. Để thực hiện mục tiêu trên, theo ông Kawamura, Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cần khoản ngân sách mỗi năm là 400 tỉ yen (gần 60.000 tỉ đồng), so với mức 180 tỉ yen (27.000 tỉ đồng) hiện nay. Nếu yêu cầu này được đáp ứng thì ngân sách của JAXA mới chỉ bằng 16% chi tiêu hàng năm của NASA. Tuy nhiên, nguồn kinh phí khổng lồ này sẽ góp phần thay đổi tầm vóc của ngành công nghiệp không gian Nhật trong tương lai.

Theo các nhà phân tích, từ lâu Nhật đã lo ngại các chương trình quân sự và không gian của Trung Quốc, cũng như khả năng bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên nên đã tìm cách thu thập thông tin tình báo. Tokyo đang có hệ thống vệ tinh do thám nhằm vào Bình Nhưỡng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về mặt công năng. Trước nay, sở dĩ Nhật nắm được các hoạt động quân sự và không gian của các nước láng giềng là nhờ Mỹ cung cấp thông tin. Tuy nhiên, Tokyo muốn đích thân thu thập vì cho rằng Washington không dại gì cung cấp mọi thông tin quan trọng và nhạy cảm.

Để hiện thực hóa tham vọng của mình, tháng 5 vừa qua, Quốc hội Nhật đã thông qua Dự luật Không gian cơ bản, cho phép sử dụng không gian vì mục đích quân sự phù hợp với luật pháp quốc tế và dựa trên nền tảng của Hiến pháp Hòa bình. Đạo luật này mở ra nhiều cơ hội cho các tập đoàn vũ trụ dân sự lẫn quân sự của Mỹ và Nhật. Viết trên tờ Thời báo châu Á gần đây, giáo sư Setsuko Aoki của Đại học Keio cho rằng đây là cơ hội để Nhật chế tạo vệ tinh do thám riêng cũng như tăng cường khả năng giám sát không gian. Hiện nay, đất nước Mặt trời mọc mới chỉ có 13 vệ tinh, trong đó có 12 vệ tinh do Mỹ chế tạo và chuyển giao.

Theo Luật Không gian Cơ bản, Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) được phép chế tạo, sở hữu và khai thác các vệ tinh riêng phục vụ cho các hoạt động quân sự bên trong lãnh thổ quốc gia, trong đó có hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Ông Kawamura thừa nhận các nỗ lực thành lập một “NASA của Nhật” để khai thác khoảng không vũ trụ vào mục đích dân sự lẫn quân sự là một chặng đường dài. Nhưng sự ra đời của Luật Không gian Cơ bản là bước đi táo bạo mở ra cơ hội giúp quốc gia châu Á này bắt kịp nhiều nước khác, trong đó có Trung Quốc, trong cuộc đua thống lĩnh khoảng không vũ trụ.

PHÚC NGUYÊN (Theo Atimes, Reuters)

Chia sẻ bài viết