19/04/2023 - 06:34

Nhật lo việc tấn công giới chính trị gia trở thành xu hướng 

MẠNH TRƯỜNG (Theo CNA, AP)

Sau 2 cuộc tấn công các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong chưa đầy 10 tháng, giới chuyên môn cảnh báo nên thận trọng tránh thông tin bên lề trở thành cái cớ biện minh cho động cơ của thủ phạm, dẫn tới “xu hướng” bạo lực nhằm vào giới chính trị gia.

Trong chiến dịch vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) hồi tháng 7-2022, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát và qua đời ở bệnh viện. Vụ việc gây chấn động khắp nước Nhật vốn nổi tiếng là quốc gia an toàn, tỷ lệ phạm tội thấp và luật kiểm soát súng nghiêm ngặt. Hồi cuối tuần rồi, ký ức về cuộc tấn công lần nữa gây ám ảnh khi một người đàn ông ném thiết bị nổ tự chế về phía đương kim Thủ tướng Fumio Kishida (ảnh), trong lúc ông chuẩn bị có bài phát biểu vận động tranh cử cho LDP tại thành phố Wakayama. Ông Kishida sau đó được đưa đến nơi an toàn, còn nghi phạm bị cảnh sát bắt giữ ngay tại hiện trường.

Động cơ của nghi phạm chưa được xác định, nhưng việc thêm một chính trị gia LDP cấp cao bị tấn công trong vòng chưa đầy một năm cho thấy xu hướng những vụ việc như vậy đang gia tăng. Điều này đặt ra câu hỏi, rằng đây có phải hệ quả của việc lợi dụng vụ sát hại ông Abe cho các lợi ích chính trị và “tác dụng phụ” của nó đang góp phần lan truyền hành vi của những kẻ tấn công.

Lan truyền thông tin sai lệch

Theo các báo cáo, nghi can Tetsuya Yamagami ám sát cựu Thủ tướng Abe vì ông liên quan nhóm tôn giáo Giáo hội Thống nhất. Trước đây, mẹ của nghi phạm từng quyên góp các khoản tiền lớn cho giáo hội và Yamagami cho rằng điều này khiến gia đình y khánh kiệt và tan vỡ. Nghi phạm ra tay với Thủ tướng Abe vì ông là cháu trai của cố Thủ tướng Nobusuke Kishi, người được cho hậu thuẫn giáo hội trong những năm đầu sau chiến tranh.

Thay vì nhận ra đây là ảo tưởng điên rồ và tập trung vào sai sót an ninh đáng lo ngại, các phương tiện truyền thông đưa tin về Yamagami với thái độ thông cảm một cách kỳ lạ. Động cơ chống giáo hội của nghi phạm còn được khuếch đại khi nhiều tháng sau đó, hầu hết trang nhất các báo và chương trình truyền hình Nhật Bản bị chi phối bởi mối liên hệ giữa đảng LDP cầm quyền và Giáo hội Thống nhất. Hàng loạt câu chuyện đăng tải đều tập trung vào cách nhóm chính trị gia cấp cao đã gặp gỡ các đại diện của giáo hội.

Tuy Thủ tướng Kishida không có mối liên hệ nào với Giáo hội Thống nhất, nhưng cách xử lý của truyền thông khiến tỷ lệ ủng hộ LDP bắt đầu giảm sút. Nhiều chính trị gia đối lập cũng bị lôi vào cuộc. Trong bối cảnh này, Thủ tướng Kishida đã phải lên tiếng xin lỗi vì khiến công chúng nghi ngờ và lo ngại trước những thông tin truyền thông đưa ra về quan hệ giữa LDP với Giáo hội Thống nhất. Bất chấp quyền tự do tôn giáo theo Hiến pháp, ông Kishida cam kết LDP cắt đứt quan hệ với tổ chức tôn giáo nói trên và ban hành luật bồi thường cho các nạn nhân.

Rủi ro gia tăng các vụ tấn công

Những năm gần đây, các vụ xả súng hàng loạt gia tăng ở phương Tây nhưng giới hữu trách thường tránh nêu tên thủ phạm hoặc giải thích động cơ của hung thủ. Lý do là vì lo ngại “tác động lây lan” của những vụ việc như vậy. Nếu công khai tất cả thông tin, nó có thể cổ vũ những kẻ có chung suy nghĩ lệch lạc hành động theo hung thủ.

Đối với Yamagami, hoàn cảnh của y có khác so với nhiều kẻ giết người ác cảm với xã hội. Nhưng có rất nhiều người ở khắp nơi lớn lên trong điều kiện nghèo khó, nên không thể dùng điều này biện minh cho các vụ ám sát. Vì vậy, giới chuyên môn nói rằng cần phải thận trọng hơn trong việc chắt lọc thông tin, tránh cổ vũ lan truyền thông điệp của nghi phạm. Họ cũng cảnh báo, với nhiều lập luận cảm thông “mối hận thù chính đáng” của Yamagami như hiện nay, nguy cơ những kẻ bắt chước mang tính thù hận tương tự sẽ xuất hiện. Mục tiêu không ở Nhật mà có thể nhắm đến các chính trị gia khác trên toàn cầu.

Chia sẻ bài viết