04/04/2011 - 08:24

Nhất cử lưỡng tiện

Tổng thống Dmitry Medvedev cuối tuần rồi đã chỉ thị cho một loạt quan chức cấp cao trong chính phủ Nga trước ngày 1-7 tới phải thôi kiêm nhiệm vị trí lãnh đạo hội đồng quản trị của 17 tập đoàn nhà nước. Đáng chú ý là Phó Thủ tướng Igor Sechin sẽ phải “buông” ghế chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn năng lượng số 1 nước Nga Rosneft cùng hai công ty Rosneftegaz và Inter RAO EES, Phó Thủ tướng thứ nhất Viktor Zubkov rời ban lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp cùng hai công ty rượu bia lớn, còn Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin rút khỏi ngân hàng lớn thứ hai xứ sở bạch dương VTB và công ty độc quyền khai thác kim cương Alrosy.

Động thái trên nằm trong kế hoạch của ông Medvedev nhằm loại bỏ ảnh hưởng không cần thiết của các tập đoàn nhà nước tới môi trường đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, ông chủ trương cải thiện môi trường làm ăn ở Nga sao cho ít ra nó phải hấp dẫn như các đối tác khác trong BRIC- nhóm bốn nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga năm ngoái đã giảm hơn 13% so với năm trước đó, mà tham nhũng là một trong những nguyên nhân. Trong bảng xếp hạng năm nay, tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá Nga có mức độ tham nhũng cao nhất trong nhóm BRIC. Tổng thống Medvedev mới đây cũng thừa nhận tham nhũng ở Nga vẫn chưa giảm và nó đang là trở lực đối với nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới trị giá 1.500 tỉ USD.

Giới truyền thông phương Tây cho rằng ngoài nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, ông chủ Điện Kremlin còn muốn tạo ra một vị thế độc lập hơn với Thủ tướng Vladimir Putin trước cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 3 năm tới, bởi hầu hết các nhân vật bị buộc từ chức trong các doanh nghiệp đều là thân tín của thủ tướng. Như để tăng thêm sức thuyết phục cho suy luận của mình, họ nhắc lại vụ ông Medvedev trước đó 10 ngày đã công khai “sửa lưng” ông Putin sau khi ông này bình luận về nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép phương Tây không kích Libye. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng thật ra không có rạn nứt nghiêm trọng nào trong quan hệ Medvedev-Putin, và việc tước bớt quyền lực của các nhân vật thân cận với thủ tướng chỉ là cách để gây sự chú ý của dư luận cho cuộc bầu cử sắp tới.

Thực hư thế nào không ai dám chắc, nhưng rõ ràng bước đi của ông Medvedev nhắm đến nhiều hơn một mục tiêu.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết