30/11/2022 - 22:40

Nhật Bản thúc đẩy “năng lực phản công” 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Hamada Yasukazu và Bộ trưởng Tài chính Suzuki Sunhichi mới đây đã yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng lên mức tương đương 2% GDP trong vòng 5 năm tới, gấp đôi so với mức lâu nay là khoảng 1% GDP.

Binh sĩ Mỹ và Nhật trong một cuộc tập trận chung hồi tháng 2. Ảnh: NYT

 

Ý tưởng “tấn công phủ đầu”

Ðộng thái trên của nhà lãnh đạo xứ Mặt trời mọc được đưa ra trong bối cảnh Tokyo đang xem xét lại các chiến lược quốc phòng và an ninh để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng. “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp về ngân sách để tăng chi tiêu cho quốc phòng và các khoản chi tiêu khác lên mức 2% GDP vào năm 2027” - Bộ trưởng Quốc phòng Hamada phát biểu với báo giới sau cuộc họp với ông Kishida. Ông Hamada cho biết Thủ tướng Kishida yêu cầu chính phủ tìm cách tăng chi tiêu cho quốc phòng, bất chấp những lo ngại về kinh phí, đồng thời nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ đảm bảo ngân sách cần thiết bằng cách nhanh chóng đưa ra nhiều cách tiếp cận khác nhau chứ không thể nói rằng nước này không thể làm điều đó vì không có đủ nguồn tài chính.

Trong nhiều thập niên qua, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản chỉ được đặt ở mức khoảng 1% GDP hoặc ít hơn. Song, trong đề xuất ngân sách quốc phòng tài khóa 2023 hồi tháng 8, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Kishida đã tìm cách tăng gấp đôi chi tiêu dành cho quốc phòng trong vòng 5 năm tới, từ mức hiện nay là 5.400 tỉ yen (tương đương 47 tỉ USD).

Truyền thông địa phương cho biết, mục tiêu của khoản chi bổ sung nói trên là nhằm thúc đẩy “năng lực phản công”, loại vũ khí có thể nhắm mục tiêu vào các địa điểm phóng tên lửa của đối phương. Một cuộc thăm dò do Hãng tin Kyodo công bố hôm 28-11 cho thấy hơn 60% người được hỏi ủng hộ việc xứ hoa anh đào có được “năng lực phản công”. Phát biểu trước Quốc hội hôm 29-11, Thủ tướng Kishida cho hay “năng lực phản công” là một trong số lựa chọn mà Tokyo đang cân nhắc. “Ðiều này đang được nghiên cứu trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp quốc tế” - ông Kishida nói. Hãng tin AP cho biết chính LDP đã sử dụng khái niệm “năng lực phản công” nhằm thể hiện tính chất phòng vệ theo hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, thay vì thực hiện ý tưởng “tấn công phủ đầu” vốn được một ủy ban chính phủ đề xuất trong báo cáo gửi cho Thủ tướng Kishida mới đây.

Tăng cường sức mạnh quân sự

 Ngoài tham vọng phát triển tên lửa bội siêu thanh, Nhật Bản đang dự tính mua tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ nhằm xây dựng “năng lực phản công” chống lại một cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương. Tầm bắn xa của Tomahawk đạt khoảng 1.600km, có thể nhằm trực tiếp mục tiêu đang bay và có thể gửi hình ảnh chiến trường về bệ phóng. Hiện Nhật Bản cũng đang trong quá trình nâng cấp mở rộng tầm bắn của tên lửa đất đối hạm nội địa Type 12, từ mức 200km lên 1.200km. Tuy nhiên, quá trình này phải đợi đến năm 2026, thời điểm được cho là quá trễ so với mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên.  

Theo Nhật báo Yomiuri Shimbun, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc mua nhiều thiết bị quân sự mới, gồm tên lửa và hệ thống radar cải tiến, có thể đánh chặn tên lửa từ Trung Quốc hay Triều Tiên, và có kế hoạch ra mắt máy bay chiến đấu không người lái. Tokyo còn dự định nâng kho vũ khí lên khoảng 1.000 tên lửa có thể bắn từ tàu, máy bay và vươn tới Triều Tiên, Trung Quốc. Ðặc biệt, Nhật Bản sẽ dành ra một khoản ngân sách để phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Anh cũng như cải thiện mức lương cho binh sĩ. Tờ Bloomberg cho hay, ngoài việc mua thêm khí tài quân sự mới, Nhật Bản sẽ dùng số tiền nói trên để chi cho các vấn đề như tăng lương, mua đạn dược, phụ tùng thay thế và hậu cần.

Theo Bloomberg, chính áp lực ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, gồm các cuộc tập trận quân sự và sự hiện diện của tàu thuyền Trung Quốc xung quanh các đảo tranh chấp với Nhật Bản, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, tình hình ngày càng căng thẳng ở eo biển Ðài Loan và mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã làm gia tăng lo ngại ở Nhật Bản và nhận được sự ủng hộ của công chúng đối với việc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Trong cuộc khảo sát do Hãng thông tấn Jiji Press thực hiện hồi tháng 6, khoảng 50% số người được hỏi tán thành mức tăng nói trên dành cho chi tiêu quốc phòng.

Nhật đứng thứ 9 trên thế giới về chi tiêu quân sự, nhưng ngân sách quốc phòng đã “khựng” lại trong nhiều thập niên. Giới phân tích cho rằng việc Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng sẽ tạo cơ hội cho ngành công nghiệp vũ khí của nước này đẩy mạnh đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trước các “ông lớn” Mỹ và quốc tế, qua đó có thể giành các hợp đồng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Chia sẻ bài viết