Trong nỗ lực nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng hơn gấp đôi số người nước ngoài đủ điều kiện cấp thị thực lao động có tay nghề trong giai đoạn 5 năm, bắt đầu từ năm tài chính 2024, lên hơn 820.000 người. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giành nhân tài giữa các quốc gia đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng “nóng” lên.

Lao động thuộc chương trình “kỹ năng đặc định” làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia
Con số hơn 820.000 người nói trên cũng phản ánh tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản trong nhiều ngành công nghiệp trong những năm tới, từ xây dựng, sản xuất đến nông nghiệp và điều dưỡng. “Thật khó để có được những công nhân có tay nghề ngay cả khi chúng tôi thực hiện các bước như áp dụng các công nghệ tiên tiến” - Một tập đoàn công nghiệp thép từ tỉnh Fukushima trong bức thư gửi tới Bộ trưởng Tư pháp Ryuji Koizumi mới đây cho biết.
Trong khi đó, Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản (ISA) cho biết sẽ nới lỏng điều kiện cấp tư cách lưu trú cho sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các trường dạy nghề ở Nhật Bản. Theo đó, những người nước ngoài hoàn thành khóa học được Bộ Giáo dục Nhật Bản công nhận sẽ được cấp tư cách lưu trú. Ưu đãi này dành cho các nhóm gồm kỹ sư, phiên dịch viên và nhà thiết kế, dù công việc của họ không nhất thiết phải liên quan đến những gì họ đã học. Ngoài ra, sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các trường dạy nghề và cao đẳng tại Nhật Bản có trình độ tiếng Nhật cao và mong muốn làm việc trong lĩnh vực hoàn toàn khác với chuyên ngành của họ, chẳng hạn như trong nhà hàng hoặc nhà máy sản xuất, sẽ được cấp tư cách cư trú mang tên “hoạt động được chỉ định”.
Trước đó, hồi tháng 4-2019, Nhật Bản cũng đã giới thiệu chương trình “lao động kỹ năng đặc định” với mục tiêu thu hút 345.000 người nước ngoài làm việc ở một số lĩnh vực ngành nghề. Theo đó, người lao động có thể làm việc ở một trong 12 lĩnh vực theo quy định, gồm điều dưỡng, xây dựng, dịch vụ ăn uống, sản xuất các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp, hầu hết là “kỹ năng đặc định loại 1”. Số người này có thời gian làm việc tối đa ở Nhật Bản là 5 năm. Nếu vượt qua các bài kiểm tra, người lao động có thể chuyển lên “kỹ năng đặc định loại 2,” có thể làm việc trong các lĩnh vực trên, ngoại trừ điều dưỡng; có thể cư trú tại Nhật Bản vô thời hạn, đưa các thành viên trong gia đình đến và cuối cùng nộp đơn xin thường trú. Song, tính đến tháng 11 năm ngoái, chỉ có khoảng 200.000 người đang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình này. Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất mở rộng chương trình “lao động kỹ năng đặc định”, bổ sung thêm 4 lĩnh vực bao gồm vận tải đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và gỗ.
Theo các chuyên gia, sở dĩ chương trình không đạt được mục tiêu đề ra phần lớn là do đại dịch COVID-19. “Virus Corona đã trì hoãn các cuộc kiểm tra trình độ chuyên môn cần thiết tại quê hương của người lao động” - Shohei Sugita, luật sư về tuyển dụng quốc tế, cho biết.
Tuy nhiên, những thách thức về hành chính cũng như rào cản đối với người sử dụng lao động cũng đã góp phần khiến cho Nhật Bản không đạt được mục tiêu nói trên. Motoi Suganuma, chuyên gia tại dịch vụ nhân sự Dive, nơi kết nối người lao động nước ngoài với các nhà tuyển dụng trong ngành khách sạn, cho biết dù lượng đơn đăng ký tham gia chương trình nộp lên ISA gia tăng nhưng phải mất thời gian dài họ mới nhận được phản hồi. Do đó, rất nhiều người vẫn đang chờ nhập cảnh vào Nhật Bản hoặc thay đổi ý định.
Số liệu thống kê do Chính phủ Nhật Bản công bố mới đây cho thấy, tính đến tháng 10-2023, tổng số lao động nước ngoài tại nước này là 2.048.675 người, tăng 12,4% so với năm trước đó. Lao động Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất với 25,3%, tức 518.364 người, kế đến là Trung Quốc chiếm 19,4%, Philippines 11,1%.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)