Theo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Nature Medicine, việc kiêng thịt có thể là “chìa khóa” để phòng tránh hiệu quả 11 vấn đề sức khỏe nguy hiểm ở người lớn tuổi.

Tiêu thụ thực phẩm thực vật giúp người lớn tuổi cải thiện sức khỏe và phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm. Ảnh: Riversideonline.com
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia quốc tế đã theo dõi diễn tiến sức khỏe và chế độ ăn của 100.000 người Mỹ ở độ tuổi 50 trong hơn 30 năm, cũng như ghi nhận lại tỷ lệ mắc 11 vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến tuổi tác - bao gồm ung thư, tiểu đường, bệnh tim, bệnh phổi, đột quỵ, suy thận, hội chứng liệt rung (bệnh Parkinson) và đa xơ cứng. Nhóm nghiên cứu cũng xem xét chức năng nhận thức, sức khỏe thể chất và tinh thần tổng thể của những người tham gia.
Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy chế độ ăn không chứa thịt, trong khi chứa nhiều trái cây, rau củ tươi và các chế phẩm từ sữa ít béo có liên quan chặt chẽ đến quá trình lão hóa khỏe mạnh ở người lớn tuổi. Cụ thể, những người tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn dựa trên thực vật với một số chế phẩm từ sữa ít béo có thể tránh được 11 vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có khả năng duy trì sức khỏe nhận thức, thể chất và tinh thần cao hơn 86% so với những người theo đuổi chế độ ăn chứa nhiều thịt. Những người tuân thủ chế độ ăn hoàn toàn dựa trên thực vật, nhưng không bao gồm sữa, còn có khả năng tránh được các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cao hơn 46%.
Ngoài ra, các chuyên gia phát hiện việc tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến (như thức ăn chế biến sẵn, xúc xích, ngũ cốc chứa đường và nước ngọt) có thể làm giảm 32% khả năng lão hóa khỏe mạnh ở những người tham gia.
Những phát hiện mới đã củng cố thêm cho các nghiên cứu trước đây, cảnh báo rằng việc ăn nhiều thịt - đặc biệt là thịt bò, thịt cừu và thịt heo chế biến sẵn - có liên quan đến nguy cơ cao mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Trong khi đó, chế độ ăn dựa trên thực vật nổi tiếng là giàu chất xơ, các vitamin và khoáng chất thiết yếu, đồng thời chứa ít chất béo và muối hơn (những chất dễ dẫn tới nhiều rủi ro sức khỏe tim mạch và não bộ).
Nhiều nghiên cứu đã liên kết chế độ ăn uống như là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Theo đó, việc tiêu thụ các thực phẩm giàu dinh dưỡng lành mạnh có thể giúp phòng tránh nhiều bệnh lý. Còn chế độ ăn uống kém lành mạnh, chứa nhiều chất béo, muối và đường có thể làm tăng rủi ro sức khỏe như béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, tiểu đường và huyết áp cao.
Chế độ ăn dựa trên thực vật giúp giảm nguy cơ tử vong sớm
Các nhà khoa học Mỹ vừa cho biết việc áp dụng chế độ ăn dựa trên thực vật có thể giúp những người mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa như béo phì, tiểu đường và bệnh tim sống lâu hơn.
Trong nghiên cứu vừa được trình bày tại Phiên họp khoa học thường niên của Viện Tim mạch Mỹ, các chuyên gia đã phân tích dữ liệu của gần 78.000 người mắc chứng rối loạn chuyển hóa tim mạch tại Anh, Mỹ và Trung Quốc.
Nhìn chung, việc tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn thực vật lành mạnh (tập trung vào rau quả, ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, trà và cà phê) giúp giảm 17-24% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào. Trái lại, việc theo đuổi chế độ ăn thực vật không lành mạnh (bao gồm ngũ cốc tinh chế, khoai tây, đồ uống chứa đường) và thực phẩm nguồn gốc động vật làm tăng 28-36% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào.
Ðây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá cụ thể tác động của chế độ ăn dựa trên thực vật đối với những người mắc các bệnh tim mạch chuyển hóa - tình trạng ngày càng phổ biến trên toàn cầu và có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm.
|
AN NHIÊN (Theo Daily Mail, SciTechDaily)