Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ủng hộ kế hoạch chi nhiều hơn cho quốc phòng và tiếp tục sát cánh cùng Ukraine, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược nhiều chính sách ngoại giao.

Các lãnh đạo châu Âu sát cánh cùng Tổng thống Ukraine Zelensky tại Brussels, Bỉ vào ngày 6-3. Ảnh: Bloomberg
Ngày 6-3, Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại Brussels, Bỉ giữa những lo ngại rằng Nga có thể nhắm đến một quốc gia EU, sau Ukraine và lục địa này không thể tiếp tục trông cậy vào sự hỗ trợ từ đồng minh Mỹ.
Nới lỏng ngân sách để tăng chi tiêu quốc phòng
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU đã thông qua kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm tăng cường quốc phòng cho toàn bộ lục địa, với một quỹ lên tới 800 tỉ euro. Ðây là bước đi quan trọng nhằm củng cố khả năng phòng thủ của khối trong bối cảnh tình hình căng thẳng toàn cầu.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã giới thiệu kế hoạch “Tái vũ trang châu Âu”, với mục tiêu huy động khoảng 800 tỉ euro, trong đó 150 tỉ euro sẽ được cung cấp dưới dạng các khoản vay. Kế hoạch này nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên nâng cao năng lực quân sự và quốc phòng, đồng thời đảm bảo rằng EU có thể tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa bên ngoài.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã tán thành những điểm chính của kế hoạch, bao gồm việc cho phép các quốc gia thành viên tăng cường chi tiêu quân sự mà không bị tính vào khoản thâm hụt ngân sách quốc gia, vốn được giới hạn ở mức 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo kế hoạch này, các nước thành viên có thể giải ngân khoảng 650 tỉ euro trong vòng 4 năm, một con số ấn tượng và được EC cam kết đảm bảo.
Ngoài ra, EC cũng cam kết cung cấp 150 tỉ euro dưới dạng các khoản vay để hỗ trợ tài trợ chung và đầu tư vào quốc phòng của các quốc gia thành viên. Số tiền này sẽ được sử dụng để thúc đẩy các dự án quốc phòng chung, đặc biệt là trong các lĩnh vực cấp thiết như phòng không, tên lửa, máy bay không người lái (UAV) và các hệ thống phòng không chống UAV, cũng như hệ thống pháo binh. Các quốc gia thành viên sẽ được khuyến khích hợp tác đầu tư vào những lĩnh vực này, ưu tiên các sáng kiến có sự tham gia của ít nhất 2 nước thành viên.
Chủ tịch EC cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch này không chỉ nhằm mục đích củng cố quốc phòng của các quốc gia thành viên, mà còn giúp “tăng cường mạnh mẽ viện trợ của họ cho Ukraine”. Ðiều đó cho thấy sự cam kết của EU trong việc hỗ trợ Ukraine.
Tại hội nghị, ngoại trừ Hungary, 26 nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh rằng không thể tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào về Ukraine mà không có nước này.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh kế hoạch nới lỏng quy tắc chi tiêu ngân sách quốc phòng của EU và hy vọng rằng một số khoản chi tiêu mới có thể được dùng để củng cố ngành công nghiệp quốc phòng nước này.
Tuy nhiên, nhiều thập niên phụ thuộc vào “chiếc ô” bảo vệ của Mỹ và sự khác biệt về tài trợ cho thấy các nước EU sẽ khó khăn như thế nào để lấp đầy khoảng trống mà Washington để lại sau khi ông Trump đóng băng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Hơn 40% viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm ngoái đến từ Mỹ. Trong đó có những hạng mục viện trợ mà châu Âu không thể dễ dàng thay thế, do vậy, một số lãnh đạo EU vẫn kỳ vọng Washington sẽ suy nghĩ lại.
Mỹ nêu điều kiện bảo vệ đồng minh NATO
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Trump đã khiến châu Âu lo ngại khi ông sẵn sàng nối lại quan hệ với Nga, rút lại sự hậu thuẫn quân sự của Mỹ đối với Ukraine và đảo lộn truyền thống hợp tác với châu Âu vốn là nền tảng của an ninh phương Tây trong nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump ngày 6-3 khẳng định sẵn sàng bảo vệ các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), với điều kiện các nước thành viên liên minh quân sự này đáp ứng mục tiêu chi cho quốc phòng. Phát biểu với báo giới tại Phòng Bầu dục, ông Trump khẳng định: “Nếu họ không trả tiền, tôi sẽ không bảo vệ họ”. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết đây là quan điểm trong nhiều năm của ông và đã chia sẻ điều này với các đồng minh NATO trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Liên quan đến vấn đề chi tiêu quốc phòng của NATO, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda tin rằng cần phải đặt mức chi tiêu quân sự cho các quốc gia thành viên EU ở mức 3% GDP. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda kêu gọi các nước thành viên NATO cần ngay lập tức tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 3% GDP và cho biết đã gửi văn bản đề nghị đưa vấn đề này ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Hà Lan. Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng khẳng định tình hình hiện nay không cho phép NATO chờ đến năm 2030 để đạt các mục tiêu chi cho quốc phòng. Trước đó, Tổng thư ký NATO Mark Rutte hối thúc các quốc gia thành viên NATO thực hiện mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng “trước mùa hè” năm nay.
Theo Cơ quan Quốc phòng châu Âu, năm 2024, các nước thành viên EU đã chi 326 tỉ euro (352 tỉ USD) cho quốc phòng - khoảng 1,9% GDP. Hiện 24 trong số 32 thành viên NATO chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.
Hôm 6-3, Tổng thống Zelensky cho biết các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh sẽ diễn ra tại Saudi Arabia vào tuần tới. Ông Zelensky sẽ tới Saudi Arabia vào ngày 10-3 để gặp Thái tử Mohammed bin Salman và nhóm của ông sau đó sẽ ở lại để đàm phán với các đối tác Mỹ. Thông báo này được đưa ra gần một tuần sau cuộc khẩu chiến giữa ông Zelensky với Tổng thống Trump và cấp phó JD Vance tại Nhà Trắng.
Steve Witkoff, đặc phái viên Mỹ phụ trách Trung Đông, sẽ tới Saudi Arabia để đại diện cho Tổng thống Trump trong các cuộc đàm phán. Theo ông Witkoff, cuộc họp có thể đưa ra khuôn khổ cho thỏa thuận hòa bình và lệnh ngừng bắn sơ bộ. Kênh tin tức Axios cho biết dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 12-3.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)