29/03/2025 - 19:35

Phẫu thuật cho bệnh nhân suy thận chảy máu mũi kéo dài 

(CTO) - Các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ vừa thực hiện phẫu thuật cắt polyp điều trị tình trạng chảy máu mũi kéo dài, không kiểm soát cho bệnh nhân T.M.H (61 tuổi, ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh suy thận mạn lâu năm, lọc thận định kỳ.

BS CKII Nguyễn Thành Văn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng BV Đa khoa TP Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: BV. 

Khoảng 1 năm trở lại đây, ông H bị nghẹt mũi kéo dài. Ban đầu người bệnh nghẹt hoàn toàn bên mũi phải, sau đó lan sang cả bên còn lại, kèm theo nhiều đợt chảy máu mũi lượng nhiều tái diễn.

BS CKII Nguyễn Thành Văn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, khi tiếp nhận trường hợp này, bác sĩ nội soi mũi cho bệnh nhân, thấy polyp mũi bít hoàn toàn hốc mũi phải, che lấp cửa mũi sau bên trái. Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc nhiều bệnh lý nội khoa nặng, bao gồm tim mạch, nội tiết (suy thận giai đoạn cuối, tăng huyết áp, đái tháo đường, tràn dịch màng phổi). Trước tình trạng chảy máu mũi không kiểm soát, ban đầu bác sĩ sơ cứu cầm máu nhiều lần cho bệnh nhân nhưng không hiệu quả do polyp hoại tử.

Các bác sĩ hội chẩn liên chuyên khoa, quyết định phẫu thuật dù bệnh nhân có nhiều bệnh nền nặng, nguy cơ biến chứng cao, đặc biệt là nguy cơ chảy máu trong và sau mổ do lọc thận liên tục. Quá trình phẫu thuật, ê-kíp gây mê theo dõi sát sao do huyết áp bệnh nhân rất cao (195/11 mmHg) và tình trạng tràn dịch màng phổi, kiểm soát tình trạng chảy máu. Phẫu thuật viên đã phẫu thuật nội soi mũi xoang, lấy sạch khối polyp trong hốc mũi phải, cửa mũi sau bên trái và trong lòng xoang hàm. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, mũi thông thoáng không chảy máu. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn theo dõi sát nguy cơ chảy máu và diễn tiến sức khỏe bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp phẫu thuật khó do bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền, đặc biệt là tình trạng suy thận giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng, với mức lọc cầu thận rất thấp, khiến thận không còn khả năng loại bỏ độc tố, chất thải và nước dư thừa khỏi cơ thể. Mọi phẫu thuật hầu như đều chống chỉ định nếu không phải trường hợp cấp cứu. Y văn trong nước và thế giới hầu như rất ít các báo cáo về phẫu thuật trên bệnh lý này. Vì thế quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân là một quyết định rất cân nhắc, cần sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết