28/08/2021 - 07:38

Người phụ nữ “ kẹt” trong căng thẳng Mỹ - Trung 

Cho đến khi bị cảnh sát Canada bắt giữ tại sân bay quốc tế Vancouver vào tháng 12-2018 theo yêu cầu từ phía Mỹ, bà Mạnh Vãn Chu không phải là cái tên được nhiều người nhắc đến. Tuy nhiên, Giám đốc Tài chính (CFO) 49 tuổi của Tập đoàn viễn thông Huawei này hiện trở thành gương mặt tạo nên “sóng gió” trong cuộc tranh chấp 3 bên giữa Trung Quốc, Canada và Mỹ.

Bà Mạnh Vãn Chu (giữa) rời Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia (Canada) hôm 4-8. Ảnh: AFP

 “Công chúa Huawei”

Ngoài vai trò CFO, bà Mạnh còn là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của “gã khổng lồ” công nghệ do cha bà, ông Nhậm Chính Phi, thành lập. Bên trong công ty của cha, bà nhanh chóng thăng tiến, giữa lúc chính phủ nhiều nước gạt tên hãng công nghệ này ra khỏi các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do lo ngại đây là “tay trong” của Chính phủ Trung Quốc. Bà là niềm tự hào dân tộc khi trở thành một phụ nữ có ảnh hưởng thực sự trong “câu lạc bộ” kinh doanh toàn cầu vốn do nam giới thống trị.

Ðáng chú ý, truyền thông nhà nước Trung Quốc còn gọi bà Mạnh là “Công chúa Huawei”, đồng thời mở chiến dịch vận động, kêu gọi trả tự do cho bà, coi bà là con tin của chính phủ Mỹ và Canada. “Xã hội Trung Quốc, gồm cả chính phủ, ngay từ đầu tin rằng đây là vụ án do Mỹ thiết kế và thao túng, rằng đây là vụ án chính trị chứ không phải là vụ án pháp lý” - Wang Jiangyu, giáo sư luật tại Ðại học Hong Kong, cho biết.

Sinh ra và lớn lên ở Thành Ðô (tỉnh Tứ Xuyên), bà Mạnh lấy bằng thạc sĩ kế toán tại Ðại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, làm việc cho Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc trước khi gia nhập Huawei vào năm 1993. Năm 2003, bà có công thành lập “tổ chức tài chính thống nhất toàn cầu” của Huawei, phát triển cơ cấu tổ chức tiêu chuẩn hóa và thống nhất quy trình tài chính trên nền tảng công nghệ thông tin để quản lý tài chính tốt hơn tại Huawei, đồng thời là “công thần” trong mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Huawei và hãng máy tính IBM (Mỹ). Trong vai trò CFO, bà Mạnh đã giám sát tài chính của công ty với quy mô hơn 180.000 người trên toàn cầu với doanh thu đạt 47,4 tỉ USD trong nửa đầu năm 2018, thời điểm Huawei đang là hãng smartphone lớn nhất thế giới về mặt doanh số, vượt qua cả Apple.

Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa xét xử dẫn độ, bà Mạnh sống cùng chồng và 2 con trong ngôi nhà trị giá hàng triệu USD ở khu phố cổ kính tại Vancouver. Ðây là nơi bà từng sống nhiều năm hồi đầu thế kỷ 21. Ðiều kiện sống của bà Mạnh ở Canada hoàn toàn trái ngược với điều kiện sống của 2 ông Michael Kovrig và Michael Spavor tại Trung Quốc.

Ngoại giao con tin

Hai công dân Canada nói trên bị bắt giữ với cáo buộc hoạt động gián điệp nhưng được cho là hành động đáp trả của Bắc Kinh trong vụ Ottawa bắt giữ “Công chúa Huawei”. Trung Quốc chỉ trích Canada đồng lõa với Mỹ trong vụ bắt giữ bà Mạnh, nhưng phủ nhận mối liên quan giữa 2 sự việc này. Tuy vậy, Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh sự tự do của 2 công dân Canada gắn liền với số phận của bà Mạnh. Vì thế, tình thế hiện nay được gọi là “ngoại giao con tin” giữa Trung Quốc, Canada và Mỹ.

“Việc giúp bà Mạnh được tự do chỉ mang tính biểu tượng nhưng đó là tính biểu tượng rất lớn. Chính phủ Trung Quốc không để bà bị đưa đến Mỹ” - giáo sư Wang nhận định. Mới đây, nhân dịp 1.000 ngày bà bị giam giữ tại Canada, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã cho đăng tải bản kiến nghị, trong đó “yêu cầu Canada trả tự do cho công dân Trung Quốc Mạnh Vãn Chu đang bị Mỹ đàn áp”.

Về phần mình, Nhậm Chính Phi từng nói rằng con gái ông đã trở thành “con cờ mặc cả trong cuộc chiến Mỹ - Trung”.

Tại phiên tòa hồi tháng 8, các công tố viên Canada khẳng định bằng chứng cho thấy bà Mạnh lừa dối ngân hàng HSBC là “rất rõ ràng” và dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào tháng 10. Nếu bị dẫn độ sang Mỹ và bị kết tội, bà Mạnh có thể đối mặt với án phạt 30 năm tù.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết