22/10/2008 - 21:10

Người nuôi bò sữa đang cần hỗ trợ

Ở TP Cần Thơ có 1 nhà máy sữa nên đầu ra sản phẩm sữa bò của nông dân được đảm bảo. Tuy nhiên, người nuôi bò sữa đang gặp khó khăn do năm nay giá thức ăn cho bò tăng cao, nhưng giá thu mua sữa bò không theo kịp.

* TRẤN AN NGƯỜI NUÔI BÒ SỮA

Theo nhiều người nuôi bò sữa ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, gần đây Nhà máy Sữa Cần Thơ (thuộc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam-Vinamilk) vẫn duy trì thu mua sữa bò tươi không hạn chế số lượng. Giá thu mua sữa bò tại nhà máy vẫn ổn định ở mức 7.450 đồng/kg (bao gồm giá thu mua sữa chính thức, các khoản tiền hỗ trợ như: mùa vụ, chuồng trại...). Ông Nguyễn Bửu Châu ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, xã viên Hợp tác xã (HTX) Bò sữa Long Hòa, cho biết: “Tôi đang nuôi 8 con bò sữa, thu trên 60-70 lít sữa/ngày. Vừa qua, ở vùng ngoài, nhiều công ty sữa không thu mua sữa bò của nông dân nên tôi cũng thấy lo. Nhưng Nhà máy Sữa Cần Thơ vẫn thực hiện thu mua sữa bò bình thường, có điều kiểm tra chất lượng sữa bò chặt chẽ hơn trước”.

HTX Bò sữa Long Hòa hiện có 34 xã viên, với tổng đàn bò nuôi hơn 200 con, trong đó, có khoảng 60 con đang cho khoảng 600-650 lít (kg) sữa/ngày. Vài năm trở lại đây, đàn bò sữa của HTX phát triển do có Nhà máy Sữa Cần Thơ (tại Khu công nghiệp Trà Nóc) đứng ra thu mua sữa bò của nông dân, đầu ra được đảm bảo. Nhà máy Sữa Cần Thơ không chỉ thu mua sữa bò của nông dân tại thành phố, mà còn thu mua sữa bò của nông dân ở Sóc Trăng. Điều này cho thấy đàn bò sữa tại thành phố hiện chưa nhiều và chưa đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy.

Giá thu mua sữa bò chưa hấp dẫn, khiến người nuôi bò sữa ở Bình Thủy không muốn phát triển thêm đàn bò. 

Do ảnh hưởng “cơn bão” melamine, tại một số địa phương trong cả nước, nông dân nuôi bò sữa đã gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, nhất là tại khu vực phía Bắc. Trước tình hình này, gần đây, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa trong nước để tìm giải pháp thu mua sữa bò nguyên liệu ứ đọng trong dân. Cục Chăn nuôi cũng đã có Công văn số 1093/CN-GSL yêu cầu Sở NN-PTNT một số tỉnh có chăn nuôi bò sữa tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ, hiểu đúng về tác hại của sữa có melamine hoặc sữa không rõ nguồn gốc được nhập vào nước ta. Từ đó, giúp người chăn nuôi bình tĩnh, yên tâm chăm sóc bò sữa, sản xuất sữa và thấy được vai trò của việc sản xuất sữa đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động tốt nguồn thức ăn thô xanh cho bò sữa bằng các hình thức như: trồng cỏ, cây thức ăn thô xanh, chế biến và sử dụng hợp lý phụ phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn cho bò sữa. Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, quy trình vắt sữa, thú y, vệ sinh chăn nuôi bò sữa và bảo quản sữa để đảm bảo cung cấp sữa nguyên liệu có chất lượng tốt. Tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi bò sữa cũng như mua bán, vận chuyển bò sữa; thu mua, kinh doanh sữa tươi trong tỉnh. Cung cấp kịp thời thông tin về giá thu mua sữa tại địa phương và khu vực lân cận, giá con giống bò sữa và giá thức ăn chăn nuôi cho người chăn nuôi tại địa phương...

* CẦN CẢI THIỆN GIÁ THU MUA SỮA

Theo ông Nguyễn Bửu Châu, với giá sữa tươi nhà máy thu mua hiện tại, nếu đầu tư nuôi bò sữa dạng trang trại phải thuê mướn nhân công sẽ không có lời, thậm chí lỗ vốn. Những hộ nuôi bò sữa nhỏ lẻ (chủ yếu lấy công làm lời) cũng gặp khó. Bởi vì, giá thu mua sữa bò ổn định và không tăng trong hơn 1 năm qua, trong khi giá thức ăn cho bò hiện lên đến 128.000 đồng/bao 25 kg (năm trước chỉ ở mức 80.000-90.000 đồng/bao), hèm bia và bã đậu tăng khoảng 400-500 đồng/kg lên ở mức 900-1.000 đồng/kg. Giá sữa bò phải ở mức từ 8.000 đồng/kg trở lên thì người nuôi mới có lời.

Còn theo ông Trương Văn Tuấn, một xã viên của HTX Bò sữa Long Hòa, 9 con bò của ông đang cho bình quân khoảng 100 lít sữa/ngày. Với giá bán 7.450 đồng/kg sữa, tính ra chỉ thu được gần 750.000 đồng/ngày, nhưng tiền thức ăn cho bò đã ở mức khoảng 360.000 đồng/ngày (40.000 đồng/con/ngày). Đó là chưa kể tiền điện, nước, chi phí vận chuyển sữa đến nhà máy để tiêu thụ... Nếu trừ hết các khoản chi phí này, ông chỉ còn lời hơn 4 triệu đồng/tháng, chưa đủ trả tiền công 3 người chăm sóc đàn bò. Ông Trương Văn Tuấn nói: “Hiện nay, tôi nuôi đàn bò này chỉ lấy công làm lời, nhằm giải quyết việc làm tại gia đình. Giá sữa bò khoảng 8.500 đồng/kg người nuôi mới dễ thở. Nhiều người nuôi bò sữa ở đây cũng mong muốn nhà máy nâng giá thu mua sữa bò lên, để chúng tôi giảm bớt khó khăn và gắn bó lâu dài với nhà máy”.

Còn nhớ, cách đây 1-2 năm, nhiều hộ nuôi bò sữa tại TP Cần Thơ có thể thu lời từ 100.000-200.000 đồng/ngày từ việc bán sữa bò. Vì vậy, có một thời gian đàn bò sữa tại thành phố phát triển nhanh. Ông Võ Thanh Cần, Chủ nhiệm HTX Bò sữa Long Hòa, cho biết: “Thời điểm đầu năm 2007, giá sữa bò dưới 5.000 đồng/kg nhiều người nuôi bò gặp khó khăn. Sau đó, nhà máy sữa tăng giá thu mua sữa bò lên 7.450 đồng/kg làm bà con ở đây rất phấn khởi. Nhưng giá sữa bò mới tăng được trong thời gian ngắn thì giá thức ăn cho bò cũng tăng mạnh làm cho nhiều người nuôi gặp khó, chủ yếu nuôi lấy công làm lời. Các năm trước, nhiều hộ dân ở đây đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi bò sữa nhưng từ đầu năm 2008 đến nay, hầu như không có hộ nào dám phát triển nuôi bò sữa nữa do không có lời”.

Qua “cơn bão” sữa nguyên liệu nhập khẩu nhiễm melamine, có khả năng các công ty sữa trong nước sẽ tập trung vào nguồn nguyên liệu sữa bò tươi trong nước trong thời gian tới. Đây là cơ hội đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa trong nước. Theo nhiều người nuôi bò sữa, tại thành phố nuôi bò sữa đạt hiệu quả kinh tế không bằng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và một số địa phương khác. Nhưng nhìn chung, đàn bò sữa trên địa bàn thành phố vẫn phát triển được nếu giá sữa bò ở mức hợp lý. Để cho nghề chăn nuôi bò sữa tại thành phố phát triển bền vững, cần phải có chính sách hỗ trợ nông dân nuôi bò thiết thực hơn như: ngành chức năng cần hỗ trợ về mặt kỹ thuật nuôi và con giống tốt, nhà máy cân đối giá thu mua sữa đảm bảo cho nông dân có lời. Đồng thời, cần phải qui hoạch lại vùng nuôi bò sữa một cách hợp lý, trong đó, gắn liền với vùng trồng cỏ để đàn bò có nguồn thức ăn dồi dào, giúp người nuôi giảm giá thành trong chăn nuôi...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết