31/10/2021 - 09:21

Ngủ quá nhiều sau tuổi 50 gây hại ra sao? 

Thiếu ngủ có thể tổn hại nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, nhưng ngủ quá nhiều cũng gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là đối với người đã bước qua tuổi 50. Dưới đây là những tác hại của việc ngủ quá nhiều ở người tuổi ngũ tuần:

Ảnh: Medical News Today

Tổn hại trí não

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy bộ não là một trong những cơ quan đầu tiên gánh chịu tác hại của việc ngủ quá nhiều. Ðơn cử, nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Brain cho thấy ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi. Các chuyên gia đã theo dõi một nhóm người cao tuổi và phát hiện những người thường ngủ ít hơn 4,5 tiếng hoặc nhiều hơn 6,5 tiếng mỗi đêm có điểm số đánh giá chức năng nhận thức giảm trong thời gian theo dõi dài 4,5 năm. Nhìn chung, thời lượng ngủ có lợi cho chức năng nhận thức là ở mức tối thiểu 5,5 tiếng và tối đa 7,5 tiếng mỗi đêm.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Thường xuyên chợp mắt trong thời gian quá dài có thể khiến người cao tuổi khởi phát các vấn đề tim mạch. Một nghiên cứu của Ðại học Tim mạch Mỹ cho thấy, thời lượng ngủ mỗi đêm của người lớn tuổi có ảnh hưởng đến việc tích tụ chất béo và mảng bám trong động mạch - một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Cụ thể, sau khi nghiên cứu trên hơn 1.700 người có tuổi trung bình là 64, các chuyên gia phát hiện những người ngủ khoảng 7-8 tiếng/đêm có ít dấu hiệu về xơ cứng động mạch và tích tụ mảng bám hơn.

Trong nghiên cứu khác, các chuyên gia tại Hiệp hội Tim mạch châu Âu phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 1 triệu người trưởng thành và nhận thấy những người ngủ nhiều hơn 6-8 giờ mỗi đêm có nguy cơ khởi phát hoặc tử vong vì bệnh động mạch vành/đột quỵ cao hơn 33% .

Buồn ngủ quá mức

Ngủ đủ giấc giúp chúng ta luôn tỉnh táo và minh mẫn trong các hoạt động hằng ngày, nhưng chợp mắt quá nhiều có thể dẫn đến cảm giác buồn ngủ dai dẳng suốt cả ngày. Theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Psychosomatic Medicine, những người thường ngủ nhiều hơn 8 tiếng/ngày có xu hướng buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày và cảm thấy đặc biệt “không tỉnh táo” khi thức dậy mỗi sáng. Ngoài ra, so với những người ngủ 7-8 tiếng/đêm, những người ngủ quá nhiều còn gặp các vấn đề về giấc ngủ như thường thức dậy vào ban đêm hoặc khó chợp mắt hơn.

Tăng nguy cơ tử vong

Nhiều bằng chứng cho thấy ngủ quá nhiều làm tăng nguy cơ tử vong. Ðơn cử, trong một nghiên cứu về mối quan hệ giữa thói quen ngủ và tỷ lệ tử vong trên 10.000 người tham gia, các nhà khoa học phát hiện những người ngủ trên 8 tiếng/đêm có nguy cơ tử vong cao hơn gấp đôi so với những người thường ngủ 7 tiếng/đêm. Còn theo một nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí PLOS Medicine, người ngủ trên 9 tiếng/đêm và ít vận động có nguy cơ tử vong sớm cao hơn gấp 4 lần. Phát hiện nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của thời lượng ngủ và thói quen vận động ở người cao tuổi - đối tượng thường giảm luyện tập thể chất do tuổi tác. 

Tăng cân

Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sleep, sau khi theo dõi lối sống của 276 người trong 6 năm, các chuyên gia phát hiện những người ngủ “ngắn” (từ 5-6 tiếng) và “dài” (từ 9-10 tiếng) đều tăng cân nhiều hơn. Theo các tác giả, thời gian ngủ “ngắn” và “dài” đều giúp dự đoán nguy cơ tăng cân và tăng mỡ ở người trưởng thành.

AN NHIÊN (Theo Eatthis.com)

Chia sẻ bài viết