03/07/2016 - 16:38

Ngư dân vùng biển Tây Nam nuôi cá bóp làm giàu

Đến Hòn Chuối, Hòn Tre, Thổ Chu…- những điểm đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, khách không khỏi thích thú ngắm nhìn những lồng bè nuôi cá bóp lênh đênh trên biển cả, những mái chòi canh xác xơ vì gió biển. Nhìn có vẻ "tiêu điều" nhưng đó lại là bệ phóng giúp ngư dân làm giàu và níu chân họ gắn bó với vùng biển Tây Nam.

Trời vừa hừng đông, khi tiếng chim rừng trên Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vừa gọi sáng, ông Lê Văn Phương, chủ 8 lồng bè cá bóp đã cùng các con cho cá ăn. Thức ăn cho cá bóp là những loài cá biển nhỏ, ít giá trị. Từng đàn cá bóp vẫy vùng tranh ăn, nước văng tung tóe trong sự hồ hởi của cha con ông Phương. Ông phấn khởi: "Vụ này cá mau lớn mà lại ít bệnh, giá cao, nên chắc sẽ có lời nhiều". Ông Phương cho biết, gia đình ông ra sống ở Hòn Chuối từ năm 2002 với ý định lập nghiệp bằng nghề nuôi cá bóp lồng bè. Ông cất công đi học hỏi kinh nghiệm của ngư dân đảo Nam Du, Thổ Chu, Hòn Ngang… Từ 1 bè cá ban đầu, đến nay gia đình ông có đến 8 bè cá, tổng trị giá hàng tỉ đồng.

Con nước ở vùng biển Tây Nam có dòng chảy không quá xiết, nước biển thích nghi với đời sống của con cá bóp nên hầu hết các điểm đảo đều gầy dựng mô hình kinh tế này. Chỉ riêng ở Hòn Chuối, hiện có đến 40/48 hộ dân nuôi cá bóp, tổng giá trị đàn cá nuôi ở đây trên 20 tỉ đồng. Theo ngư dân, để nuôi cá bóp phải lắp đặt lồng bè trên biển với diện tích từ 16- 20m2 và thả cá giống, trị giá đầu tư ban đầu từ 50-70 triệu đồng/bè. Cá bóp giống mỗi con nặng từ 0,4- 0,5 kg. Sau 9 tháng thả nuôi, mỗi con cá bóp có thể đạt từ 8- 10kg. Với giá luôn giữ ổn định từ 135- 150 ngàn đồng/kg, mỗi bè cá đạt lợi nhuận từ 30- 40% tổng giá trị bán cá thương phẩm.

 Những lồng bè nuôi cá bóp trên vùng biển Tây Nam.

Chính vì hiệu quả kinh tế khá cao nên ngư dân vùng biển Tây Nam đã chọn con cá bóp làm "bệ phóng" để đổi đời và làm giàu. Theo thống kê của UBND xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang (tức Hòn Tre), năm 2015, toàn xã có đến 200 lồng bè nuôi cá với tổng sản lượng thu hoạch trên 415 tấn, tăng 18% so với năm 2014, trong đó con cá bóp chiếm đa số. Còn ở xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, năm 2015, trên 50 lồng bè nuôi cá bóp của ngư dân trên đảo đã cung cấp ra thị trường trên 30 tấn cá thương phẩm.

Con cá bóp đã giúp ngư dân Tây Nam thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên vùng biển quê hương. Ông Kim Ngọc Tính, một trong những người nuôi cá bóp đầu tiên trên Hòn Chuối, kể rằng, trước đây ông làm nghề thu mua hải sản để chở về đất liền bỏ mối cho các chợ. Nhưng sau những chuyến lênh đênh trên biển, ông thấy bà con nuôi cá bóp thành công nên học hỏi kinh nghiệm và đóng bè nuôi. Con cá bóp giúp ông trang trải kinh tế gia đình rồi trở thành "triệu phú" trên đảo. Ông nói như reo: "Vụ cá cuối năm 2015, tôi lãi gần 1 tỉ đồng. Vụ này thấy cũng êm!". Còn ông Đoàn Thanh Phong, lão ngư ở Hòn Chuối, kể rằng, trước đây ông cũng có thâm niên gần chục năm nuôi cá bóp lồng bè nhưng thấy già yếu nên để lại cho con cháu nuôi. Bây giờ, mỗi ngày ông đều bơi xuồng rảo quanh các lồng bè coi cá ăn, chăm cá khỏe để "truyền nghề" cho con cháu. Với ông, con cá bóp chính là sợi dây gắn kết ông với hòn đảo này.

Ngư  dân Hòn Chuối cho cá bóp ăn tại các lồng bè.

Tuy nhiên, cái khó của bà con ngư dân nơi đây là thiếu vốn để đầu tư, nhất là những hộ mới bắt đầu nuôi. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 1 (Hòn Chuối), khóm 1, thị trấn Sông Đốc, cho biết, vốn đầu tư cho mỗi lồng bè (quy mô trung bình) khoảng 300 triệu đồng. "Số vốn lớn ấy phải vay ngân hàng nhưng ngặt nỗi nhà đất của người dân Hòn Chuối chưa có giấy chủ quyền nên không thế chấp vay được. Trong khi đó, hợp tác xã nuôi cá bóp đứng ra vay tín chấp thì nhiều nhất cũng chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng, không đủ vốn đầu tư"- ông Phương nói. Một cái khó khác do yếu tố thiên nhiên là việc nuôi cá bè không cố định một chỗ vì ngư dân phải kéo bè di chuyển quanh đảo: từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, người dân dời bè về sống ở gành Nam để tránh gió chướng; và từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, họ lại về gành Chướng để tránh gió mùa Tây Nam. Thiết nghĩ, những khó khăn này cần được chính quyền các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang… sớm tháo gỡ, tạo điều kiện cho ngư dân làm ăn.

*

* *

Nghị quyết 09- NQ/TW ngày 9-2-2007 "Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" xác định mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53– 55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển". Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc gầy dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế biển hiệu quả, mà nuôi cá bóp lồng bè là một điển hình, sẽ giúp ngư dân an tâm gắn bó với biển đảo, góp phần giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên biển đảo quê hương.

Bài, ảnh: DUY LỮ

Chia sẻ bài viết