29/02/2008 - 09:54

"Ngồi trên lửa"

C ùng với nỗi lo “cơn bão giá” đang mạnh dần lên ngay sau khi giá xăng dầu tăng, hiện tại, nhiều người đang canh cánh một nỗi lo khác cũng ngày càng lớn là nguy cơ dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người đang tái phát và lan rộng.

Có thể nói chúng ta đang “ngồi trên lửa” khi mà từ đầu năm đến nay, 10 tỉnh trong cả nước đã phát hiện dịch cúm gia cầm. Nhưng đáng sợ hơn, theo Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), cùng thời gian này, đã có 5 người tử vong vì bị nhiễm cúm A (H5N1). Một đại dịch cúm A lây lan từ người sang người đang cận kề và sẽ bùng phát nếu chúng ta không có những giải pháp tích cực và quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trong thời gian tới. Đó là lời cảnh báo mà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng đưa ra tại cuộc họp bàn các biện pháp khẩn cấp phòng chống các dịch bệnh này với Cục Thú y và đại diện các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL vào ngày 27-2 vừa qua.

Điểm lại một số trường hợp mắc và tử vong vì cúm gia cầm từ đầu năm đến nay, chúng ta không khỏi giật mình nếu biết rằng có những người đã bị lây nhiễm và chết vì cúm A (H5N1) khi mà tại địa phương của họ chưa phát hiện và công bố có dịch cúm gia cầm (2 trường hợp gần đây ở Phú Thọ và Ninh Bình). Và cũng cần lưu ý là từ đầu năm đến nay dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở các tỉnh từ đồng bằng sông Hồng đến ĐBSCL. Điều đó cho thấy, ở nhiều địa phương virus H5N1 đang hiện diện trên đàn gia cầm và có thể lây nhiễm sang người bất cứ lúc nào.

Đáng lo ngại là hiện nay ở nhiều địa phương, không chỉ người dân mà nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn còn tỏ ra khá thờ ơ, lơ là trong việc chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát và lây lan của dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1). Trong số các trường hợp đã tử vong vì cúm A (H5N1) gần đây, người ta nhận thấy rằng có nhiều trường hợp chết vì đã ăn thịt gà chết, tiếp xúc với gà dù trông còn khỏe mạnh nhưng đã nhiễm virus H5N1. Có thể họ không quan tâm về dịch bệnh hoặc thiếu thông tin từ cơ sở.

Tình hình đang diễn biến khá phức tạp. Hiện nay, ở vùng ĐBSCL, vụ thu hoạch lúa đông xuân đã bắt đầu. Số lượng vịt thả đồng cũng gia tăng, trong khi nhiều nơi chính quyền và cơ quan chức năng khó kiểm soát. Ở nhiều chợ, các loại trứng gà, trứng vịt vẫn đang được bày bán tràn lan, không ai dám đảm bảo mức độ an toàn khi sử dụng. Sau một thời gian bị kiểm soát chặt chẽ để khống chế dịch cúm gia cầm, gần đây, vì nhiều lý do, trong đó có lý do giá nhiều loại thực phẩm gia tăng, dịch bệnh trên một số loại gia súc dẫn đến thiếu nguồn cung, nên tình trạng tái nuôi vịt, gà mà không qua sự kiểm soát của cơ quan thú y đã xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng nông thôn.

Theo báo cáo của Cục Thú y, các ổ dịch cúm gia cầm phát hiện trong thời gian gần đây hầu hết là trên những đàn gia cầm chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm phòng không đúng, không đầy đủ số mũi vắc-xin theo quy định. Trong số các tỉnh tái phát dịch cúm gia cầm từ đầu năm 2008 đến nay phần lớn thuộc khu vực miền Bắc và miền Trung. Điều này cũng có thể làm cho nhiều người ở TP Cần Thơ và một số tỉnh khác ở ĐBSCL chưa phát hiện dịch phát sinh tâm lý chủ quan, lơ là. Đây mới thực sự là một nguy cơ! Xung quanh ta, dịch cúm gia cầm đã tái phát ở Trung Quốc và Indonesia. Và tính trên phạm vi thế giới, đã 366 người ở có 14 quốc gia nhiễm virus cúm A (H5N1), 232 người trong số đó đã tử vong (chiếm hơn 63% số người mắc).

Trong bối cảnh giao thương rộng mở như hiện nay thì điều kiện lây lan dịch bệnh là rất dễ dàng và nhanh chóng, nếu chúng ta không có biện pháp khống chế hữu hiệu. Mặt khác, trong tình hình giá cả nhiều loại thực phẩm gia tăng mạnh những tháng gần đây, rất có thể tình trạng bán tháo bán đổ đàn gia cầm mắc bệnh; tình trạng pha trộn gà, vịt chết bán cho các cửa hàng thực phẩm để kiếm lời nhiều sẽ xảy ra.

Vì thế, cùng với các biện pháp tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm; tăng cường kiểm soát giám sát trong chăn nuôi; tích cực phát hiện, tiêu diệt, khống chế nhanh các ổ dịch cúm gia cầm; kiểm soát giết mổ gia cầm... thì việc huy động nhiều lực lượng trong xã hội cùng với ngành thú y tăng cường hoạt động kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia cầm và các thực phẩm từ gia cầm, kịp thời ngăn chặn các trường hợp kinh doanh sử dụng gia cầm bị bệnh chết cũng đang là một yêu cầu bức bách trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) hiện nay.

Tháng 3 là Tháng Thanh niên. Nên chăng, huy động lực lượng thanh niên kết hợp với lực lượng thú y cùng thực hiện các biện pháp tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch? Đó sẽ là một việc làm thiết thực đầy ý nghĩa của đoàn viên, thanh niên trong tình hình hiện nay.

GIA HUY

Chia sẻ bài viết