11/08/2010 - 21:22

Nghiện Internet - căn bệnh của thời đại

Cần cảnh giác với mặt trái của game online.
Ảnh: huesoft.com.vn

Một nghiên cứu mới đây cho thấy giới trẻ Mỹ đang nghiện trầm trọng điện thoại di động, mạng xã hội và Internet với biểu hiện không thua gì nghiện ma túy hay bia rượu. Dù Hiệp hội Thần kinh Mỹ chưa xem nghiện Internet là một chứng bệnh, nhưng đây thật sự là một vấn nạn của xã hội hiện đại.

Các chuyên gia Đại học Maryland đã tiến hành nghiên cứu bằng cách yêu cầu 200 sinh viên thử cách ly với phương tiện truyền thông trong một ngày. Họ nhận thấy rất nhiều em tỏ ra bực bội và thậm chí không làm được gì cả. Giáo sư ngành báo chí Susan Moeller - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết nhiều sinh viên ghét cảm giác bị “trói tay trói chân” khi không có Internet để gởi và nhận e-mail, vào Facebook, đọc báo mạng... và đánh đồng điều đó với việc bị cô lập khỏi người thân và bạn bè. Nhiều người hẳn chưa quên vụ một đôi vợ chồng Hàn Quốc do mải mê nuôi “con ảo” trên mạng đã để đứa con gái 3 tuổi của mình chết vì đói hồi đầu năm nay.

Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Đại học Dược Sydney (Úc) và Đại học Tôn Dật Tiên (Trung Quốc) cho biết việc sử dụng Internet một cách vô độ sẽ gây ra nhiều tổn hại cho sức khỏe tâm thần. Cụ thể, những thanh thiếu niên nghiện Internet có nguy cơ bị suy nhược thần kinh cao gấp đôi những trẻ khác. Người ta tiến hành điều nghiên 1.000 thiếu niên Trung Quốc ở độ tuổi trung bình 15 về biểu hiện sa sút tinh thần và lo lắng. Đầu tiên, các em trả lời một bảng câu hỏi để xác định mình có sử dụng Internet một cách vô độ hoặc không thể kiểm soát không. Kết quả, 6% được nhận thấy nghiện Internet ở mức độ nhẹ và 0,2% có dấu hiệu nghiện trầm trọng. 9 tháng sau, các tình nguyện viên này được kiểm tra lần nữa và hơn 8% đã có triệu chứng sa sút thần kinh nghiêm trọng hơn.

Đi sâu vào hậu quả của nghiện trò chơi trực tuyến (game online), giáo sư Craig Anderson thuộc Khoa Tâm lý Đại học Iowa (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu tổng quan dựa trên 130 nghiên cứu riêng rẽ khác về vấn đề này. Ông nhận thấy việc tiếp xúc với các trò chơi bạo lực lâu ngày sẽ khiến thanh thiếu niên suy nghĩ và hành động hung hãn hơn. Song song đó, khả năng thấu cảm và các giá trị đạo đức của các em sẽ bị suy thoái. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đối tượng có khả năng bị nghiện trò chơi trực tuyến thuộc mọi độ tuổi, giới tính và nền văn hóa.

Để đối phó với cơn nghiện game ngày càng lan rộng, nhiều nước đang tìm kiếm giải pháp nhằm bảo vệ công dân, đặc biệt là thế hệ “măng non” của mình. Mới đây, Hàn Quốc đã đưa ra “Lệnh giới nghiêm buổi tối”, cấm các game thủ nhí đăng nhập vào các trò chơi có số thành viên trong độ tuổi này cao sau 10 giờ đêm. Các phòng net phải chặn đường vào của các em, nếu không có cha mẹ hoặc người lớn bảo đảm. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp game được yêu cầu triển khai “Fatigue System”, nôm na là tạo ra những bất lợi cho game thủ khi họ chơi vượt thời gian qui định. Về phía gia đình, các phụ huynh có thể chủ động yêu cầu nhà mạng khóa đường vào game của con em mình trong một số thời điểm nhất định trong ngày. Hiện tại đã có 5 công ty cung cấp dịch vụ này và trong tương lai có thể sẽ còn tăng lên.

Trung Quốc lại chọn một giải pháp khác. Đầu tháng 8 này, quy định yêu cầu game thủ phải đăng ký tên thật của mình trước khi chơi game trực tuyến đã bắt đầu có hiệu lực. Cách này được cho sẽ hạn chế thanh thiếu niên chơi game quá nhiều, đồng thời giúp nhà nước quản lý ngành công nghiệp game trực tuyến dễ dàng. Ở Thượng Hải, các nhà cung cấp game trực tuyến còn phải thông báo trò chơi có phù hợp với người dưới 18 tuổi hay không. Với những trò chơi không phù hợp, công ty phải thiết lập rào chắn kỹ thuật, không cho đối tượng này tham gia. Với trò chơi được phép, công ty cũng phải giới hạn giờ chơi cho các game thủ vị thành niên.

BẢO TRÂM
(Theo Reuters, Daily Mail, CNET News, Korea Times, Xinhua)

Chia sẻ bài viết