26/01/2025 - 12:39

Nghị quyết hợp lòng dân 

Đến thời điểm này, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đã phát huy hiệu quả và mang lại những chuyển đổi mới cho vùng ĐBSCL. Nhiều chương trình, dự án được triển khai thực hiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các địa phương trong vùng. TP Cần Thơ - Trung tâm vùng ĐBSCL triển khai thực hiện Nghị quyết 120 với những kế hoạch cụ thể, xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ từng năm cho công tác ứng phó BĐKH, phát triển KT-XH bền vững...

Nhiều công trình kè chống sạt lở góp phần chỉnh trang đô thị được xây dựng và đưa vào sử dụng tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Hiệu quả

Trong không khí se lạnh, báo hiệu mùa xuân mới sắp đến, đứng trước công trình bờ kè kiên cố, khang trang ở ấp Vĩnh Lân (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh), bà Nguyễn Thị Kiều phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, khu vực này là tuyến đường bê tông chạy dọc theo kênh Cái Sắn nhưng bị sạt lở nghiêm trọng. Có đoạn sạt lở hàng chục mét, đứt gần hết đường giao thông. Cuối năm 2023, ngành chức năng TP Cần Thơ triển khai xây dựng bờ kè kiên cố, đường giao thông rộng thoáng, có vỉa hè tản bộ… nên ai cũng vui mừng”.

Công trình kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Cái Sắn xây dựng tại bờ Bắc kênh Cái Sắn, đoạn qua ấp Vĩnh Lân do Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Toàn tuyến có chiều dài 601m, tổng mức đầu tư hơn 66 tỉ đồng. Dự án được khởi công ngày 5-12-2023 và hoàn thành vào dịp chào mừng Lễ Quốc khánh 2-9-2024, sớm hơn kế hoạch 3 tháng.

Ông Nguyễn Quốc Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Công trình xây dựng hoàn thành không những phòng, chống sạt lở mà còn tạo mỹ quan, diện mạo của địa phương, góp phần hoàn thành các tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao… Sau công trình này, đoạn bờ kênh Cái Sắn còn lại tiếp giáp tỉnh An Giang cũng được khởi công xây dựng, với chiều dài gần 1km. Ðây là đoạn kênh có nguy cơ sạt lở rất cao, đe dọa sinh hoạt, tính mạng người dân địa phương nên khi được khởi công xây dựng, bà con tự nguyện di dời cơ sở vật chất để công trình thuận lợi thi công…”.

Cống ngăn triều tại Âu thuyền Cái Khế thuộc Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ (giai đoạn 1) đưa vào hoạt động, góp phần chống ngập do triều cường tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 

Sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, TP Cần Thơ đã xây dựng nhiều công trình, dự án ứng phó BÐKH, như gia cố hàng chục kí-lô-mét kè chống sạt lở bằng các giải pháp truyền thống; xây dựng trên 20 công trình kè chống sạt lở và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài khoảng 40km, kinh phí thực hiện hàng ngàn tỉ đồng; bên cạnh đó, nhiều công trình kè chống sạt lở đang triển khai thực hiện và đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư... Các công trình góp phần ổn định bờ sông, an toàn cho người dân và phát triển đô thị, ứng phó BÐKH.

Tăng khả năng thích ứng

Theo định hướng phát triển của Nghị quyết 120, TP Cần Thơ được xác định là thành phố trung tâm, động lực phát triển vùng ÐBSCL. Nhiều năm qua, tốc độ đô thị hóa của thành phố diễn ra nhanh chóng, hạ tầng cơ sở phục vụ yêu cầu phát triển được quan tâm đầu tư, tạo những điểm nhấn phát triển mới. Tuy nhiên, TP Cần Thơ cũng như các tỉnh trong vùng ÐBSCL đang phải chịu ảnh hưởng của BÐKH ngày càng nghiêm trọng, khó dự báo và thể hiện rõ qua các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường, cùng với đó là các hiện tượng triều cường, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân, môi trường và hệ sinh thái... Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành Trung ương, các địa phương trong vùng cũng thực hiện nhiều biện pháp ứng phó, thích nghi với điều kiện bất thường của BÐKH.

Hiện nay, tình hình sạt lở đã và đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn thành phố, gây ra thiệt hại lớn về tài sản của người dân. TP Cần Thơ rất quan tâm phòng, chống sạt lở, đồng thời đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, chưa đủ vốn để đầu tư các tuyến kè ở những khu vực sạt lở đang bức xúc. TP Cần Thơ đã đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn xây dựng 4 dự án kè với tổng chiều dài hơn 5,1km; trong đó có 3 dự án ở quận Bình Thủy (sông Trà Nóc và sông Bình Thủy) và 1 dự án ở huyện Vĩnh Thạnh (kênh Cái Sắn). Mỗi công trình kè này có mức đầu tư dự kiến từ 100-300 tỉ đồng. Các dự án trên được triển khai thực hiện sẽ góp phần ổn định bờ sông, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và đô thị tại TP Cần Thơ… Ðặc biệt, Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với BÐKH, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ (giai đoạn 2) là cần thiết và cấp bách. Dự án nhằm chống ngập vùng nội ô thành phố, phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; giảm sự tổn thương do ngập lụt, sạt lở tại trung tâm TP Cần Thơ, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với BÐKH; kết hợp chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, có tác dụng lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển bền vững cho TP Cần Thơ.

Công trình xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Cái Sắn (ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) kiên cố vừa đưa vào sử dụng.

Theo đó, Dự án Chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với BÐKH, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ góp phần chống ngập vùng nội ô thành phố với diện tích khoảng 2.770ha, gồm các hạng mục chính như xây dựng bờ kè với tổng chiều dài gần 9km dọc các sông, kênh; xây dựng 1 cống kết hợp âu thuyền và trạm bơm, 11 cống kiểm soát, 8 cống hộp ngăn triều; nâng cấp các tuyến đường dọc bờ kè; công trình phòng, chống sạt lở, đường giao thông... Dự kiến tổng mức đầu tư dự án 4.515,39 tỉ đồng, đề xuất từ nguồn ngân sách Trung ương đầu tư.

Ðồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Tình trạng ngập lụt, sạt lở, BÐKH diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng phát triển kinh tế, đô thị, xã hội… trên địa bàn. Do đó, việc đầu tư các dự án ứng phó rất cấp bách, với những công trình chống ngập, chống sạt lở đa công năng, đa mục tiêu. Các dự án này không chỉ phục vụ riêng cho Cần Thơ, mà còn góp phần phát huy vai trò là trung tâm của vùng, đảm bảo kết nối giao thông, thương mại, dịch vụ, du lịch vùng ÐBSCL. Hiện kinh phí thành phố còn nhiều khó khăn, rất cần sự đầu tư hỗ trợ thực hiện của bộ, ngành Trung ương và của Chính phủ…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết