19/02/2009 - 21:41

Triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất vay 4%/năm

Ngân hàng sẵn sàng, doanh nghiệp vẫn phân vân!

Thực hiện hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng cho vay vốn ổn định sản xuất và kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) tại TP Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam- chi nhánh Cần Thơ, phối hợp cùng các ngân hàng thương mại (NHTM) đóng trên địa bàn tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, vẫn có DN đang cân nhắc chưa vay vì lo khả năng quay vòng vốn quá ngắn...

* Ngân hàng chờ người vay...

Theo hướng dẫn của NHNN, nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là các NHTM cho vay các nhu cầu vốn lưu động để hoạt động sản xuất – kinh doanh theo cơ chế tín dụng thông thường và thực hiện hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian hỗ trợ tối đa là 8 tháng kể từ ngày giải ngân. Việc hỗ trợ áp dụng trong năm 2009 đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng từ 1-2 đến 31-12-2009; các khoản vay có thời hạn vay vượt quá năm 2009 chỉ được hỗ trợ lãi suất đối với khoảng thời gian vay của năm 2009; các khoản vay quá hạn trả nợ, được gia hạn nợ vay thì không được tính hỗ trợ lãi suất. Mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay.

 Gói kích cầu là cơ hội cho ngân hàng gia tăng khách hàng và DN hạ giá thành sản phẩm, ổn định sản xuất. (Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Eximbank Cần Thơ).

Tại TP Cần Thơ, sau 1 tuần triển khai các văn bản của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng, các chi nhánh NHTM trên địa bàn đã sẵn sàng nhận hồ sơ vay của khách hàng và sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho DN. Theo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (Eximbank Cần Thơ), việc xem xét cho vay sẽ tiến hành như các hợp đồng tín dụng thông thường trước đây và đây là cơ hội thu hút khách hàng nên các thủ tục sẽ nhanh, gọn, do đa số các khách hàng đã có quan hệ tín dụng với ngân hàng từ trước. Eximbank sẽ tạo điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất nhanh nhất khi cam kết sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay và có đầy đủ chứng từ. Với hợp đồng tín dụng thông thường, DN chỉ trả lãi suất 5,6%/năm (khoảng 0,47%/tháng) sau khi đã khấu trừ khoảng hỗ trợ lãi suất 4%/năm trong gói kích cầu của Chính phủ cho ngân hàng. Ngoài ra, Eximbank còn có chương trình cho vay VNĐ đối với DN xuất khẩu với 2 mức lãi suất (tùy DN chọn). Sau khi được khấu trừ phần lãi suất được hỗ trợ 4%/năm, đối với chương trình 1, mức lãi suất mà DN phải trả chỉ 1,4%/năm (khoảng 0,12%/tháng) và DN cam kết bán USD cho ngân hàng theo tỷ giá kỳ hạn; còn chương trình 2, mức lãi suất 4,1%/năm (0,34%/tháng), và DN phải cam kết bán USD cho ngân hàng theo tỷ giá ngày trả nợ.

Lãnh đạo NHNN chi nhánh Cần Thơ khẳng định, các chi nhánh NHTM trên địa bàn TP Cần Thơ đã sẵn sàng cho việc triển khai gói kích cầu, những hợp đồng tín dụng vay theo cơ chế thông thường vẫn đang thực hiện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 7.730 DN trong nước thuộc các loại hình, tổng vốn đăng ký khoảng 14.105 tỉ đồng. DN có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thành phố và giải quyết trên 50% lao động trong độ tuổi lao động trên địa bàn. Nếu DN gặp khó, kinh tế thành phố cũng khó đạt tốc độ tăng trưởng đề ra trong năm 2009 (16,1%).

Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết: “Năm 2009, thu ngân sách toàn thành phố sẽ khó do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, DN gặp khó khăn ở thị trường xuất khẩu và kéo theo sự sụt giảm sản xuất của DN tác động trực tiếp lên các khoản thu thuế”. Theo ông Thống để đảm bảo sự công bằng trong việc triển khai gói kích cầu tại thành phố, Sở Tài chính sẽ kiến nghị về UBND thành phố một số vấn đề như: DN đủ điều kiện thụ hưởng phải được vay vốn khi họ có nhu cầu, nhưng cần triển khai cho DN trên địa bàn đối chiếu nhu cầu vay vốn và có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả để được thụ hưởng chính sách này; các NHTM đang cần khách hàng và cũng là dịp để ngân hàng tăng thêm khách hàng. Hiện nay, NHTM được thỏa thuận lãi suất với DN, nên sẽ ưu tiên giữ khách hàng truyền thống, do vậy, cần có sự giám sát tình hình DN đăng ký gói kích cầu...

* Doanh nghiệp vẫn phân vân

Ông Nguyễn Phùng Xuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH may xuất nhập khẩu Hào Tân, cho biết: “Công ty chúng tôi đã làm thủ tục để được hưởng 4% lãi suất hỗ trợ từ gói kích cầu theo hướng dẫn của ngân hàng. Trong các hợp đồng vay vốn của công ty khoảng 8 tỉ đồng đều nằm trong thời hạn được hỗ trợ lãi suất, nhưng đang chờ kết quả từ hội sở ngân hàng. Nếu được hỗ trợ sẽ giải quyết cho DN nhiều vấn đề”. Theo ông Nguyễn Phùng Xuân, năm 2009, dự báo rất khó khăn, nhất là xuất khẩu hàng may mặc, nhưng công ty vẫn giữ được thị trường truyền thống của mình ở Nhật Bản. Hiện nay, đơn vị có hợp đồng gia công đến tháng 9-2009, dù giảm khoảng 5% so với năm 2008, nhưng bình quân công ty xuất 40.000 sản phẩm/tháng. Nhìn chung, việc ổn định được hợp đồng và giữ vững thị trường được 9 tháng là nỗ lực rất lớn của DN. Còn việc mở rộng thị trường, hiện tại Hào Tân chưa có điều kiện.

Tuy vậy cũng đã có doanh nghiệp phân vân chưa vay vốn. Theo ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, gói kích cầu là phao để DN ổn định sản xuất và giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ 8 tháng có thể đối với ngành cơ khí đúc luyện kim là hơi ngắn, do đặc thù của ngành cơ khí đúc luyện kim (sản xuất phụ tùng thay thế hàng ngoại nhập (sơ-mi xy-lanh, động cơ xăng dầu... cần độ chính xác cao). Thời gian cho ra thành phẩm mất 7 tháng (6 tháng đưa vào lò nấu đến ổn định phân tử kim loại và đúc sản phẩm thành phẩm mất thêm 1 tháng). Do vậy, chỉ trong vòng 1 tháng tiêu thụ sản phẩm, DN rất khó thu hồi vốn để hoàn trả cho ngân hàng. Bởi đôi khi phải bán sản phẩm gối đầu cho đơn vị mua. Ông Tăng Hồng, cho biết: “Việc hỗ trợ lãi suất 4%/năm là khá hấp dẫn DN, nhưng hợp đồng vay còn nhiều ràng buộc. Ban đầu, tôi có ý định vay 500 triệu đồng để mở rộng sản xuất, kinh doanh và thu thêm lao động. Hiện tại, tôi cần tính toán lại, bởi DN đang có thị trường ổn định. Có thể chỉ vay vốn trung và dài hạn để trả chậm. Tôi nghĩ thời gian hỗ trợ lãi suất ít nhất 18 tháng để DN có thời gian quay vòng vốn”. Hiện nay, thị trường của DNTN cơ khí Sông Hậu ở ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu, nhưng xuất khẩu đang chựng lại do khó khăn chung của khủng hoảng kinh tế.

Trên thực tế, DN luôn có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, gói kích cầu đang là cơ hội cho DN và đã có nhiều doanh nghiệp đang làm thủ tục vay vốn. Nhưng cũng có nhiều DN vẫn đang thăm dò thị trường. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước cũng đang sụt giảm, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất để củng cố thị trường chờ qua cơn khốn khó...

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết