25/08/2020 - 14:06

Ngân hàng chạy đua với công nghệ số

Trong bối cảnh công nghệ phát triển, ứng dụng ngân hàng số là lựa chọn tất yếu của các nhà băng, nhằm cung cấp những dịch vụ tài chính an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Ðây là hướng đi tất yếu của các nhà băng trước sự thay đổi nhanh chóng và phát triển vượt bậc của làn sóng công nghệ.

Lĩnh vực ngân hàng đã chứng kiến sự ra đời của nhiều mô hình mới, như: ngân hàng di động, ngân hàng online,… việc ứng dụng các công nghệ vào hoạt động ngân hàng không ngừng gia tăng. Vừa qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank, trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây của ngân hàng. Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank) ứng dụng công nghệ robot vào giao dịch nhằm tăng trải nghiệm của người dùng. Cùng với đó, đầu tư VTM OPBA - máy giao dịch ngân hàng tương tác bằng hình ảnh, tích hợp ATM, mọi nhu cầu tài chính của khách hàng sẽ được đáp ứng mọi lúc mọi nơi như: rút tiền, in, xem sổ phụ tài khoản, phát hành thẻ mà không cần tới ngân hàng. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ứng dụng công nghệ sinh trắc học bằng vân tay và nhận diện gương mặt tại các LiveBank. Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) triển khai tiện ích mở tài khoản thanh toán thông qua ứng dụng Mobile Banking và khách hàng không phải đến trực tiếp trụ sở ngân hàng để định danh. Sau khi mở tài khoản thành công khách hàng có thể ngay lập tức sử dụng hầu hết các giao dịch tài chính trọng yếu…

Mô hình ngân hàng truyền thống đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục đang dần chuyển sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số nhằm đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Mặt khác, dịch COVID-19 đã góp phần thay đổi nhận thức và tư duy của nhiều khách hàng đối với việc giao dịch trên nền tảng số. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay, 94% ngân hàng thương mại bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số; trong đó, 59% ngân hàng thương mại bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế. Chỉ có 6% ngân hàng thương mại hiện chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách và ban hành các quy định quản lý tạo môi trường thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 vào hoạt động ngân hàng, thanh toán. Ðồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực ngân hàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ, tạo thuận lợi thúc đẩy mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới sáng tạo những vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế rủi ro thách thức. Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung thống nhất, có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số và nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng…

L. MẪN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
công nghệ số