 |
Khách hàng giao dịch tại Eximbank chi nhánh Cần Thơ. |
Từ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện cơ chế điều hành lãi suất cơ bản mới, áp dụng từ ngày 19-5-2008, đến nay, thị trường đã có nhiều đợt điều chỉnh tăng lãi suất (LS) huy động tiết kiệm. Nhiều chương trình khuyến mãi huy động tiết kiệm dự thưởng lớn và nhiều hình thức huy động tiết kiệm hấp dẫn tiếp tục được triển khai. Không chỉ cạnh tranh gay gắt về huy động vốn, vấn đề quản lý rủi ro ở các ngân hàng đang “nóng” hơn bao giờ hết.
“MƯA” KHUYẾN MÃI VÀ TĂNG LÃI SUẤT
Ngày 28-5-2008, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển điều chỉnh tăng LS huy động tiền gửi VND với mức cao nhất lên đến 14,5%/năm. Trước đó, ngày 26-5-2008, ACB tiếp tục điều chỉnh tăng LS huy động USD và vàng. Theo đó, với mức gửi từ 7.000 đến dưới 30.000USD, LS tiền gửi USD các kỳ hạn từ 1-36 tháng dao động từ 6,65-7,15%/năm (đã cộng LS thưởng 0,2%/năm). Đối với các mức gửi từ 30.000 đến trên 300.000USD, LS sẽ được cộng thêm từ 0,25-0,3%/năm. ACB cũng tăng LS huy động tiết kiệm bằng vàng (biên độ tăng từ 1,4-1,9%/năm).
Cùng ngày, VIB Bank cũng triển khai chương trình khuyến mãi “Ngàn cơ hội-Vạn vận may” dành cho khác hàng gửi tiết kiệm bằng VND, USD và EUR với giải đặc biệt là 2kg vàng SJC và nhiều giải thưởng hấp dẫn khác. Viet A Bank cũng có chương trình “Sinh nhật vàng, Giải thưởng lớn” dành cho khách hàng gửi tiết kiệm bằng VND, USD và vàng. Tổng giá trị giải thưởng 1 tỉ đồng, trong đó, giải đăc biệt là 1 thẻ Viet A Card trị giá 500 triệu đồng.
Trước đó, ngày 23-5-2008, SHB cũng điều chỉnh tăng LS huy động tiết kiệm với kỳ hạn từ 4-13 tháng ở mức 15,5%/năm. Eximbank cũng vừa tung ra sản phẩm “Tiền gửi “CALL” 48 giờ”. Tiện ích của sản phẩm này là người gửi tiền được gọi trước, báo trước để đăng ký số tiền rút ra trước 48 giờ nếu chưa có kế hoạch sử dụng vốn. Lãi được trả sau 48 giờ, theo LS Eximbank áp dụng hiện hành và sẽ được nhập vào vốn gốc.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, đến hết tháng 5-2008, vốn huy động trên địa bàn ước tăng 6,59%, tổng dư nợ cho vay tăng 1,43% so với tháng trước, khả năng doanh số thu nợ cho vay giảm 6,82% so với tháng trước.
Theo nhiều ngân hàng trên địa bàn, dù đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động, triển khai chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhưng tình hình huy động vốn vẫn tăng không nhiều. Giám đốc một chi nhánh ngân hàng lớn ở TP Cần Thơ cho biết: Tình hình cạnh tranh huy động vốn căng thẳng đến mức hằng ngày, ngân hàng phải theo dõi số lượng khách hàng và “nhận diện” khách hàng đến giao dịch để có chính sách chăm sóc khách hàng kịp thời, không để mất khách. Nhiều ngân hàng còn kéo dài thời gian phục vụ khách hàng như: Ngân hàng TMCP Kỹ thương, Ngân hàng Á Châu... Ngân hàng Đông Á chi nhánh Cần Thơ đã có phòng giao dịch 24 giờ với thời gian giao dịch được tăng lên đến 20 giờ.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tuần qua, hầu hết các ngân hàng đã điều chỉnh tăng LS huy động từ 1,7-3,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống và tăng từ 1,5-3,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. LS huy động của các ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến ở mức từ 13,43-13,67%/năm. LS huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần ở mức khoảng 14,1-16,16%/năm. Nhìn chung các khối ngân hàng đều dư thừa vốn khả dụng. Để ổn định tình hình thị trường, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào mua giấy tờ có giá với các kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 12%/năm, khối lượng chào và trúng thầu mỗi phiên từ 5.000-10.000 tỉ đồng/phiên.
THU PHÍ TRÊN KHOẢN VAY
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, với mức LS huy động vốn khoảng 1,2-1,25%/tháng, cộng với tỷ lệ dự trữ bắt buộc 11%, các ngân hàng phải chịu chi phí LS đầu vào khoảng 1,35-1,4%/tháng. Mức chi phí này chưa kể các chi phí về quản lý. Trong khi đó LS cho vay đầu ra bị khống chế ở mức 1,5%/tháng nên mức chênh lệch rất “meo”.
Do bị khống chế LS cho vay ở mức 1,5%/tháng trong khi chi phí đầu vào tăng cao, một số ngân hàng trên địa bàn đã thu phí trên khoản vay và chuyển hướng tập trung vào các sản phẩm cho vay trả góp (không trừ dần trên vốn gốc), những món cho vay nhỏ để phân tán rủi ro. Theo một số chi nhánh ngân hàng, việc thu phí trên khoản vay là phù hợp thông lệ quốc tế. Còn một số chi nhánh ngân hàng lớn cho biết sẽ tập trung nâng LS cho vay tối thiểu ở một số sản phẩm vay sát với mức 18%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, qua một tuần giám sát thực hiện cơ chế điều hành LS mới trên địa bàn, có hiện tượng một số ngân hàng thu thêm một số phí trên khoản vay. Chi nhánh đã phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, trong tuần qua, số dư nợ phát sinh trên địa bàn không nhiều. Hiện nay, chi phí vốn tăng cao, các ngân hàng có xu hướng tập trung phát triển các dịch vụ để tăng nguồn thu từ dịch vụ.
Trước hiện tượng một số ngân hàng thu phí trên khoản vay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giao cho đơn vị chức năng nghiên cứu và sớm trình ban hành quyết định về vấn đề thu phí để quản lý và làm cơ sở để giám sát việc cho vay của các ngân hàng thương mại.
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO
Theo nhiều ngân hàng, việc cùng lúc thực hiện nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và ảnh hưởng của lạm phát, các ngân hàng thương mại đã phải điều chỉnh hoạt động để phù hợp tình hình thực tế. Sacombank cho biết: Ngân hàng này chủ trương hy sinh một phần mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận để chống lạm phát. Mục tiêu đã được thay đổi từ tăng tốc nhanh, hiệu quả đến tập trung cao nhất cho mục tiêu an toàn trong các hoạt động: thanh khoản, quản lý rủi ro, tăng trưởng tín dụng... để đảm bảo khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Sacombank đã chủ động cơ cấu lại tài sản có-tài sản nợ phù hợp với quy mô hoạt động và diễn biến thị trường. Hoạt động đầu tư được phân loại và siết chặt hơn, lãi suất cho vay được phân tán và điều chỉnh linh hoạt theo hướng lãi suất chuyên nghiệp.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều biện pháp giám sát và hỗ trợ các ngân hàng thương mại đảm bảo an toàn thanh khoản và quản lý rủi ro. Trường hợp ngân hàng thực sự khó khăn về vốn khả dụng nhưng không có đủ giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn để tham gia nghiệp vụ thị trường mở hoặc tham gia nhưng không trúng thầu, có thể gửi văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho vay tái cấp vốn theo một trong hai hình thức: cho vay đảm bảo bằng cầm cố giấy tờ có giá hoặc cho vay theo hồ sơ tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng không được sử dụng nguồn vốn vay tái cấp vốn để mở rộng tín dụng.
Ngoài ra, để tăng cường quản lý rủi ro, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại hàng ngày phải nộp báo cáo theo các chỉ tiêu: nguồn vốn, sử dụng vốn, số dư tiền gửi của ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước, dự trữ bắt buộc phải duy trì tại Ngân hàng Nhà nước, dự báo thừa, thiếu vốn khả dụng. Trường hợp có phát sinh vay hoặc cho vay với các tổ chức tín dụng khác, các ngân hàng thương mại phải báo cáo cụ thể với Ngân hàng Nhà nước về số tiền vay hoặc cho vay, lãi suất giao dịch và thời hạn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải có các biện pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, không để tín dụng tiếp tục tăng trưởng nóng và thiếu an toàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại, có biện pháp quản lý cả cung và cầu tín dụng, xác định nhu cầu đầu tư tín dụng nào cần khuyến khích hoặc không khuyến khích để có chính sách phù hợp...
Bài, ảnh: XUYẾN CHI