Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, trong 10 tháng năm 2019, thành phố Cần Thơ phát hiện mới 256 người nhiễm HIV, chuyển sang AIDS 14 người và tử vong 27 người. So với cùng kỳ năm 2018, số người nhiễm HIV tăng 34 người, chuyển sang AIDS giảm 36 người, tử vong giảm 16 người. TP Cần Thơ đã triển khai đồng bộ các hoạt động để tuyên truyền trong cộng đồng và nâng cao ý thức phòng, tránh, góp phần ngăn đại dịch bùng phát.

MSM chiếm trên 52% số ca nhiễm mới HIV
Trong những năm qua, TP Cần Thơ nỗ lực triển khai các hoạt động để đạt mục tiêu 90-90-90. Tức là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp, hướng tới, kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. TP Cần Thơ đã triển khai đồng bộ các hoạt động: truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm hại (cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho đối tượng nguy cơ cao), dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị methadone, điều trị ARV sớm, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, tự xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng...
Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cho biết: Thành phố cơ bản khống chế dịch HIV, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Cụ thể: đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào Nghị quyết hàng năm của Thành ủy, chương trình kế hoạch hành động của UBND thành phố, xây dựng đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS để ứng phó với việc các tài trợ của quốc tế giảm dần. Ngoài ra, để giữ vững mạng lưới phòng, chống HIV ở cơ sở, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết hỗ trợ cho cộng tác viên phòng, chống HIV/AIDS tại xã, phường, thị trấn. Hàng năm, đưa báo cáo công tác phòng, chống HIV/AIDS vào 2 kỳ họp HĐND thành phố.
Tuy nhiên, dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, lây truyền qua quan hệ tình dục chiếm trên 96%. Trong đó, nhóm tuổi từ 20 - 39 tuổi chiếm trên 80%. Đáng lưu ý, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm trên 52% trong tổng số người nhiễm HIV phát hiện được trong năm 2019.
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, Cần Thơ nằm trong Top 5 cả nước về tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM. Kết quả giám sát trọng điểm HIV cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao, từ 18% năm 2018 tăng lên 20,3% năm 2019; trong khi cả nước, tỷ lệ trung bình là 10,17%. Ngoài ra, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng gia tăng, từ 14,7% vào năm 2017 tăng lên 18% ở năm 2019. Ngoài ra, số người khi đi khám bệnh thông thường, khi sinh con, gặp tai nạn, ốm đau… đến bệnh viện điều trị và xét nghiệm mới biết bị nhiễm HIV có chiều hướng gia tăng. Sự thay đổi hình thái dịch HIV từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng khiến cho việc ứng phó càng khó khăn hơn.

Tiểu phẩm tại sự kiện truyền thông quảng bá dịch vụ PrEP.
Tìm giải pháp mới
Dù HIV đã xuất hiện ở TP Cần Thơ gần 30 năm, nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn. Đây chính là rào cản khiến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV không đi xét nghiệm; còn người nhiễm HIV thì không điều trị hoặc điều trị muộn. Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, điều đáng buồn nữa là tỷ lệ sử dụng bao cao su an toàn, bơm kim tiêm sạch giảm… Từ đó, cần giải pháp, mô hình mới. Bên cạnh mô hình tự xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, TP Cần Thơ cũng triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Với phương pháp này, chương trình phòng, chống HIV/AIDS có thêm vũ khí dự phòng HIV. Hiện nay, đã có 9 cơ sở đăng ký triển khai PrEP. Những người có nguy cơ cao nhiễm HIV, chưa nhiễm HIV, không chống chỉ định thì có thể dùng PrEP. Về thuốc để điều trị PrEP, theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, quỹ toàn cầu đã chuyển thuốc đến TP Cần Thơ. Trong năm 2019 và 2020, khách hàng dùng PrEP được miễn phí thuốc và một số xét nghiệm.
Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, thời gian tới sẽ tập trung nguồn lực để duy trì thực hiện các hoạt động then chốt, nhất là hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến cơ sở; kiện toàn và củng cố chất lượng hoạt động các phòng tư vấn xét nghiệm HIV, tập trung tư vấn, khuyến khích người nhiễm HIV đang điều trị ARV giới thiệu chuyển gửi vợ, chồng, bạn tình của họ xét nghiệm HIV, tiếp tục mở rộng mô hình tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ, chuyển gửi điều trị ARV cho những người nhiễm HIV đã phát hiện từ những năm trước…; tăng cường công tác truyền thông giới thiệu hệ thống dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt nhóm MSM; đảm bảo tính sẵn có các vật dụng can thiệp giảm hại như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn; duy trì và mở rộng đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, cộng tác viên và tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS tại các trường đại học và cao đẳng…
Bài, ảnh: H.Hoa