21/07/2022 - 10:30

Nga với cơ hội mở rộng ảnh hưởng ở Balkan 

MAI QUYÊN (Theo CNA News)

Việc kéo dài tiến trình đàm phán gia nhập đang làm giảm tiếng nói của Liên minh châu Âu (EU) đối với các quốc gia phía Tây bán đảo Balkan, mặt khác tạo điều kiện để Nga mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và thành viên Serbia của Hội đồng Tổng thống 3 bên của Bosnia-Herzegovina, Milorad Dodik. Ảnh: CNA News

Lịch sử gần gũi

Nga từ lâu đã có ảnh hưởng không nhỏ ở Tây Balkan. Trong lịch sử, nước này từng hỗ trợ Serbia trong cuộc chiến với Áo - Hung vốn dẫn tới Chiến tranh Thế giới thứ 1. Những năm gần đây, Mát-xcơ-va tích cực giành lại ảnh hưởng ở khu vực thông qua việc hình thành nhóm có quan điểm trung lập hoặc thân Ðiện Kremlin gồm Serbia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina và Macedonia. Nga còn lập các hiệp hội, hãng truyền thông ở Balkan và đóng vai trò quan trọng trong các dự án dầu khí. Mát-xcơ-va cũng xây dựng quan hệ với các đảng phái ở nhiều nước trong khu vực, chẳng hạn đảng VMRO DPMNE từng cầm quyền ở Macedonia, đảng đối lập Mặt trận Dân chủ ở Montenegro hay lực lượng người Serbia ở Bosnia-Herzegovina.

Lãnh đạo người Serbia trong Hội đồng Tổng thống 3 bên ở Bosnia-Herzegovina hiện nay, Milorad Dodik, được nhận xét có quan điểm thân Nga. Ông Dodik nhiệt tình ủng hộ việc thành lập 2 nước cộng hòa tự xưng ở Ukraine. Trước đó, ông từng chủ trương chia cắt Cộng hòa Srpska khỏi Bosnia-Herzegovina để sáp nhập vào nước láng giềng Serbia và đứng sau kế hoạch lập quân đội Serb mới. Dù không công khai ủng hộ, Nga cũng chưa bao giờ chính thức chỉ trích chính sách ly khai của ông Dodik.

Theo các nhà phân tích, “phong trào Dodik” có thể đe dọa nền hòa bình khu vực vốn không dễ dàng có được sau cuộc xung đột kết thúc vào năm 1999.

Bế tắc quan hệ EU - Tây Balkan

Các quốc gia Tây Balkan không thuộc EU nhưng là vùng lãnh thổ nằm trong EU, được bao quanh bởi các nước Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Hungary và Croatia. Ðây là một khu vực luôn bất ổn từ trong quá khứ tới nay. Trong lịch sử, Tây Balkan là xuất phát điểm của Chiến tranh Thế giới thứ I với vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand của đế quốc Áo - Hung năm 1914.  Còn hiện nay, an ninh khu vực vẫn chưa ổn định do mâu thuẫn tôn giáo, tác động của cuộc chiến giữa các nhóm “dân tộc chủ nghĩa” ở mỗi quốc gia cũng như tranh cãi giữa các nước. Tuy không dễ dẫn đến chiến tranh như trong lịch sử, nhưng các yếu tố trên vẫn bị coi là mối đe dọa thường trực ở châu Âu.

Thế nên, EU cần những đồng minh này để chống lại thách thức an ninh từ các nhóm khủng bố cũng như kiểm soát nhập cư trái phép.

Từ giữa những năm 2000, EU bắt đầu rót kinh phí đầu tư và đưa ra nhiều hứa hẹn về tư cách thành viên để các nước Tây Balkan chủ động cải thiện chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội với hy vọng khu vực này trở nên ổn định hơn. Nhưng nhiều năm qua, tiến trình gia nhập bị đình trệ do tranh chấp địa lý, cũng như mâu thuẫn chính trị - xã hội mà EU cho rằng các quốc gia Balkan chưa đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đàm phán kéo dài thực tế là do khối 27 quốc gia thành viên chưa thật sự mong muốn và sẵn sàng kết nạp các nước phía Tây Balkan. Thay vào đó, EU có thể chỉ muốn giữ quan hệ để các đối tác không tự co cụm hay ngả hẳn về phía một quốc gia bên ngoài nào đó.

Thái độ này không chỉ làm suy yếu sự ủng hộ chính trị dành cho EU ở nhiều nước khu vực, mà còn tạo điều kiện cho Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng. Ðặc biệt với cuộc chiến Ukraine - Nga đang bùng phát, giới quan sát cho rằng ưu tiên của liên minh dành cho Kiev khiến quan hệ giữa khối và Tây Balkan ngày càng bế tắc, nhất là ở Bosnia-Herzegovina, Kosovo và Bắc Macedonia. Nếu EU tiếp tục không coi trọng ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở đây, giới quan sát cảnh báo khối có nguy cơ tạo ra mối đe dọa ngay sát ở biên giới của mình.

Chia sẻ bài viết