16/06/2023 - 08:36

Nga, Trung Quốc trong chiến lược an ninh quốc gia Ðức 

MAI QUYÊN (Theo DW, CNA)

Ngày 14-6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và nội các (ảnh) công bố “Chiến lược An ninh Quốc gia” đầu tiên của nước này, trình bày tầm nhìn rõ ràng hơn về chính sách đối ngoại và an ninh giúp Berlin tránh mắc sai lầm trước các sự kiện địa chính trị.

Với khẩu hiệu “mạnh mẽ, linh hoạt, bền vững”, văn kiện dài 74 trang này là kết quả của nhiều tháng thu thập ý kiến các chuyên gia cùng người dân từ cấp huyện cho đến tiểu bang và liên bang. Được biết, Đức trước đây chỉ ban hành các văn bản chính sách về an ninh và chưa bao giờ có một chiến lược cụ thể. Nhưng trước các mối đe dọa mới trên toàn cầu, đặt biệt khi Trung Quốc và Nga ngày càng tỏ ra quyết đoán, chính phủ 3 bên của Thủ tướng Scholz trong hiệp ước liên minh vào tháng 11-2021 nhất trí xây dựng chiến lược an ninh toàn diện hơn.

“Mối đe dọa” từ Nga, Trung Quốc

Được soạn thảo dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, chiến lược an ninh quốc gia tái khẳng định các cam kết quốc phòng của Đức, bao gồm mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng theo yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương; tăng cường an ninh chuỗi cung ứng và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng; đẩy mạnh công nghệ quốc phòng ở cấp độ châu Âu; hài hòa các quy định về kiểm soát xuất khẩu vũ khí trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Tài liệu cũng đề cập những chủ đề đa dạng như biến đổi khí hậu cùng chi tiết các dự định của chính phủ vì một tương lai “an ninh và ít phụ thuộc hơn”.

Trong một phần đáng chú ý, văn kiện chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine; đồng thời mô tả Mát-xcơ-va là “mối đe dọa đáng kể nhất” cho hòa bình và an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Đối với đồng minh thân cận của Nga hiện nay là Trung Quốc, Berlin một mặt thừa nhận Bắc Kinh là đối tác không thể thiếu nếu muốn giải quyết hàng loạt thách thức và khủng hoảng toàn cầu. Mặt khác, Trung Quốc cũng là “đối thủ cạnh tranh có hệ thống”. Theo đó, chính quyền Thủ tướng Scholz cáo buộc Bắc Kinh liên tục có hành động chống lại lợi ích của Berlin trong nỗ lực định hình lại trật tự toàn cầu; đặt sự ổn định khu vực và an ninh quốc tế “dưới sức ép ngày càng tăng” và coi thường nhân quyền. “Trung Quốc đang tìm mọi cách sắp xếp lại trật tự quốc tế, tham vọng khẳng định vị thế thống trị khu vực và hết lần này đến lần khác có động thái đi ngược lại lợi ích và giá trị của chúng ta” - tài liệu khẳng định.

Văn kiện nói trên được công bố chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến thăm thủ đô Berlin. Khi được hỏi chiến lược an ninh mới có gửi thông điệp gì tới Bắc Kinh, Thủ tướng Scholz trong cuộc họp báo nói rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển kinh tế và sự hội nhập của họ không nên bị cản trở. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz nêu rõ các vấn đề gây nguy hại cho an ninh quốc gia cũng phải được tính đến. “Đức không muốn tách rời, chúng tôi chỉ muốn loại bỏ rủi ro” - nhà lãnh đạo này khẳng định.

Hạn chế của chiến lược an ninh

Cuộc chiến ở Đông Âu đã khiến Đức “bị chấn động” và ảnh hưởng sâu sắc bởi sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Điều này buộc Berlin cân nhắc mục tiêu giảm sự phụ thuộc một chiều vào năng lượng và nguyên liệu thô; đồng thời từ bỏ các chính sách hòa bình lâu nay và thay bằng việc tái vũ trang mạnh mẽ cho quân đội. Xung đột cũng khiến Berlin đẩy nhanh các kế hoạch không dựa quá nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt trong các mặt hàng thiết yếu.

Vì vậy, đối với chiến lược an ninh quốc gia lần đầu tiên được thông qua, giới chuyên môn đánh giá đây là sự thay đổi lớn mang tính biểu tượng của quốc gia Tây Âu. Song, động thái này dường như không thỏa mãn kỳ vọng của các đồng minh khi nó không có bất kỳ câu trả lời nào về cách Đức sẽ đối phó với các mối đe dọa cấp bách nhất. Theo nhà nghiên cứu cấp cao Benjamin Tallis tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, chiến lược không đề ra những hành động cụ thể và chưa thực sự mang lại tầm nhìn mới cho điều mà đất nước này cũng như các đối tác đang cần. “Điều đó có nghĩa là thay vì chủ động, chính sách tiếp tục bị động và thiếu tư duy chiến lược thực sự”.

Chi hơn 5 tỉ USD để củng cố hệ thống phòng không

Theo hãng tin AFP, Đức có kế hoạch chi hơn 5 tỉ USD để tăng cường hệ thống phòng không của nước này. Cụ thể, ngày 14-6, Ủy ban Ngân sách của Hạ viện Đức đã phê duyệt ngân sách khoảng 950 triệu euro (1 tỉ USD) để mua 6 hệ thống phòng không IRIS-T do một công ty Đức sản xuất. Ngoài ra, ủy ban trên cũng phê duyệt khoản trả trước ban đầu 560 triệu euro mua hệ thống phòng không tầm xa tân tiến Arrow-3 của Israel trong thương vụ tổng trị giá gần 3,99 tỉ euro (4,3 tỉ USD).

Arrow 3 là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo do Israel và Mỹ cùng phát triển để đối phó với các mối đe dọa tầm xa, có thể bắn hạ các tên lửa bắn từ bên ngoài bầu khí quyển Trái Đất. Hệ thống này đủ mạnh để tạo nên vỏ bọc bảo vệ cho các quốc gia láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU) của Đức. Arrow 3 là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng của Israel. Nếu thỏa thuận diễn ra theo đúng kế hoạch, hệ thống Arrow 3 sẽ được giao cho Đức vào quý IV/2025.

Trong khi đó, hệ thống IRIS-T đầu tiên sẽ được giao vào năm 2024 và hệ thống thứ hai được giao vào năm 2025. Ba hệ thống khác dự kiến được cung cấp vào năm 2026 và hệ thống cuối cùng dự kiến được giao vào năm 2027.

 

Chia sẻ bài viết