Cuối tuần rồi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chốt danh sách các ứng viên cho chức tổng giám đốc, thay thế ông Dominique Strauss-Kahn đang phải hầu tòa tại Mỹ với cáo buộc tấn công tình dục. Vào giờ chót, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Kazakhstan Grigori Marchenko và Bộ trưởng Kế hoạch Nam Phi Trevor Manuel tuyên bố rút lui. Cùng lúc, một nhân vật mới đột ngột xuất hiện là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel Stanley Fischer, người bất chấp tuổi cao sức yếu quyết đấu với Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens.
Tới cuối tháng sáu này, 24 thành viên hội đồng điều hành IMF mới quyết định ai sẽ đứng đầu định chế tài chính quốc tế qui tụ 187 quốc gia và đặt trụ sở tại Washington này, nhưng mọi chuyện dường như đã an bài. Ông Marchenko nói một cách ngậm ngùi rằng việc bổ nhiệm bà Lagarde làm tổng giám đốc IMF ngã ngũ rồi. “Nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau cho thấy có một thỏa thuận giữa các nước G8 về việc ủng hộ bà Lagarde. Nếu các quốc gia gộp lại được hơn 60% quyền bỏ phiếu hậu thuẫn một ứng viên nào đó, mọi chuyện coi như xong” - ông bức xúc. Marchenko là người được Nga và một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ đề cử, nhưng hồi cuối tháng 5 Thủ tướng Nga Vladimir Putin lại nói rằng bà Lagarde là nhân vật “hoàn toàn chấp nhận được”. Không cay cú như Marchenko nhưng ông Manuel cũng chỉ trích việc bầu lãnh đạo IMF mang màu sắc chính trị, và “sẽ là hết sức bất hạnh nếu chúng ta chọn một người châu Âu bị ràng buộc bởi EU”.
Mỹ và EU chiếm hơn 48% quyền bỏ phiếu tại IMF. Tuy không nói ủng hộ bà Lagarde nhưng trước nay Washington luôn hậu thuẫn người châu Âu làm tổng giám đốc IMF để đổi lại việc EU tán thành người Mỹ làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB). Do đó, bà Lagarde được xem là có lợi thế nhất. Tuy nhiên, để chắc ăn, bà đã công du tới các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Arabie Séoudite và Ai Cập để tranh thủ sự ủng hộ của họ. Bà cũng cố lấy lòng các quan chức lục địa đen tại hội nghị thượng đỉnh Ngân hàng Phát triển châu Phi diễn ra ở Bồ Đào Nha mới đây.
Ông Carstens cũng tiến hành vận động tranh cử theo lộ trình tương tự khi lần lượt tới Mỹ La-tinh, Ấn Độ, Trung Quốc. Lợi thế của Carstens là từng giữ vị trí số 3 tại IMF, và bầu chọn cho ông là đáp ứng yêu cầu của các nước đang phát triển đòi bỏ qui định bất thành văn kéo dài hơn 6 thập niên qua tại IMF và WB rằng lãnh đạo phải là người châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, đáng tiếc là các nền kinh tế mới nổi lại không đánh giá cao vị thống đốc này. Chẳng hạn Brazil đã từ chối ủng hộ ông Carstens.
Fischer, cựu phó tổng giám đốc thứ nhất của IMF mang hai quốc tịch Israel - Mỹ, cũng không có nhiều cơ hội mặc dù về chuyên môn ông được xem là phù hợp hơn bà Lagarde. Ông Fischer hiện đã xấp xỉ 68 tuổi trong khi IMF tìm kiếm ứng viên dưới 65. Vả lại, là người Israel nên ông sẽ khó mà giành được sự ủng hộ từ các nước A-rập. Còn nếu coi ông là người Mỹ thì chả lẽ xứ cờ hoa nắm cả WB lẫn IMF?
Xem ra bà Lagarde không có đối thủ trong cuộc đua bị nhiều chỉ trích là thiếu công bằng, minh bạch này.
LÊ DÂN