23/05/2009 - 09:53

Nga-EU chưa tìm được tiếng nói chung

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU.
Ảnh: AFP

Tại hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày 21 và 22-5, Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã không hàn gắn được rạn nứt sâu sắc trong quan hệ song phương, xuất phát từ những hục hặc trong nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho EU và cuộc chiến 5 ngày giữa Nga với Gruzia hồi tháng 8 năm ngoái.

Các chủ đề chính trong chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm hợp tác khắc phục khủng hoảng tài chính toàn cầu, an ninh năng lượng và hiệp ước an ninh châu Âu mới. Tuy nhiên, theo các quan chức EU, hai bên còn tồn tại những khác biệt quá lớn về các vấn đề năng lượng và thương mại. Cao ủy năng lượng EU Andris Piebalgs đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev về việc thay đổi Hiến chương Năng lượng mà Nga là một bên ký kết. Hiến chương ra đời 1991 này thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp trong ngành năng lượng. Mát-xcơ-va cho rằng hiến chương đã “lỗi thời” và không giải quyết được các cuộc tranh chấp, ví như trong cuộc tranh cãi khí đốt với Ukraina dẫn đến việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu hồi tháng 1-2008. Tuy nhiên, EU cho rằng hiến chương cũ vẫn tiếp tục có hiệu lực cho tới khi hai bên đạt được một thỏa thuận hợp tác mới.

Trước thềm hội nghị, Tổng thống Medvedev nói rằng thành phố Khabarovsk, nằm cách Brussels (Thủ đô của Bỉ, nơi đặt trụ sở EU) 8.000 km, được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị là để các nhà lãnh đạo EU thấy được sự rộng lớn của nước Nga (Nga có diện tích lớn nhất thế giới). Theo các nhà phân tích, do Khabarovsk nằm cách biên giới Trung Quốc chỉ 30 km, nên ông Medvedev còn muốn gởi một thông điệp khác là Nga có thể thay đổi ưu tiên thương mại hướng về phía Đông nếu phương Tây không thể đảm bảo một thỏa thuận tốt hơn với Nga. Cố vấn đối ngoại của Điện Kremlin Sergei Prikhodko mới đây tuyên bố Nga đã mất kiên nhẫn về việc gia nhập WTO sau hơn 10 năm nỗ lực đàm phán mà vẫn chưa hoàn tất, trong đó EU là một trong những rào cản.

Một nguồn tin từ chính phủ Nga còn cảnh báo sẽ có cuộc khủng hoảng khí đốt mới với Ukraina vào mùa đông tới, nếu Kiev không tuân thủ các cam kết của mình. Mới đây, Brussels đã chọc giận Mát-xcơ-va khi ký một thỏa thuận với Ukraina về việc tân trang lại các đường ống dẫn thời Liên Xô, mà không ngó ngàng gì đến lợi ích của Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới. Ngoài ra, việc EU khởi động sáng kiến Đối tác phương Đông” nhằm lôi kéo 6 nước thuộc Liên Xô trước đây (Ukraina, Gruzia, Moldova, Armenia, Azerbaijan và Belarus) hồi đầu tháng này, bị Nga coi là thách thức đối với lợi ích an ninh và chiến lược ở khu vực “sân sau” của mình.

N.KIỆT
(Theo Reuters, AFP, Washingtonpost)

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết