23/02/2011 - 21:30

Nền dân chủ phục vụ cho ai ?

Phát biểu trước Quốc hội Koweit ngày 22-2, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố các nước phương Tây, trong đó có Mỹ và Anh, đã góp phần gây ra tình trạng bất ổn hiện nay ở Trung Đông bằng chính sách hậu thuẫn và “nhắm mắt làm ngơ” trước những hành vi xâm phạm quyền con người nghiêm trọng của các chế độ độc tài, phi dân chủ. Ông Cameron thừa nhận chính sách đối ngoại của nước Anh đã đặt lợi ích kinh tế riêng lên trên các giá trị dân chủ của phương Tây. Chẳng hạn, Luân Đôn đã thắt chặt quan hệ với chế độ của Tổng thống Libye Muamar Gadhafi nhằm giúp khoảng 150 tập đoàn kinh tế của Anh, chủ yếu trên lĩnh vực năng lượng, được phép kinh doanh ở thị trường béo bở này.

Tờ Boston Globe của Mỹ ngày 23-2 cũng cho rằng các lợi ích chiến lược và ưu tiên ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông từ bấy lâu nay tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, bảo đảm quyền tiếp cận nguồn cung ứng dầu mỏ và giúp đồng minh cực kỳ quan trọng của Mỹ là Israel “sống trong hòa bình và đủ khả năng kiềm chế tham vọng của một số nhà lãnh đạo bảo thủ ở khu vực”. Vì thế, tờ báo này viết: “Chính sách viện trợ của Mỹ cho Trung Đông chủ yếu phục vụ cho các lực lượng an ninh của các quốc gia được điều hành bằng “bàn tay sắt”. Ngân sách viện trợ quân sự chiếm tới 67% tổng viện trợ nước ngoài trị giá 7,1 tỉ USD của Mỹ dành cho Trung Đông năm 2011. Đơn cử trong số 2 tỉ USD mà Mỹ viện trợ cho chế độ (cũ) Hosni Mubarak ở Ai Cập thì có tới 1,3 tỉ USD dành cho quân đội của nước này”.

Phát biểu của ông Cameron và nhận xét của tờ Boston Globe diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) và Washington đang xem xét điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng thúc ép các đồng minh Trung Đông và Bắc Phi thực hiện “lộ trình dân chủ sâu rộng”. Ngân hàng Đầu tư châu Âu của EU ngày 22-2 tuyên bố sẵn sàng nâng gấp đôi ngân sách cho vay hỗ trợ các quốc gia ở mạn nam Địa Trung Hải, từ 2,8 tỉ euro lên 6 tỉ euro trong giai đoạn 2011-2013, nhằm giúp khu vực này chuyển đổi sang nền dân chủ. Một hội nghị quốc tế bàn về cơ cấu dân chủ cho Trung Đông và Bắc Phi do EU tổ chức dự kiến cũng sẽ diễn ra cuối tuần này.

Dư luận cho rằng sau những sự thay đổi mang tính bước ngoặt trên chính trường Tunisie, Ai Cập và sắp tới có thể là Libye và Yemen, phương Tây đang bắt đầu các nỗ lực can dự mới nhằm duy trì các lợi ích chiến lược “truyền thống” của họ tại khu vực này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu an ninh người Mỹ Jeff Lightfoot cảnh báo đó sẽ chỉ là những tham vọng viễn vông, nếu cuộc can dự dưới chiêu bài “thúc đẩy dân chủ” ấy không vì lợi ích của số đông công chúng mà chỉ phục vụ cho số ít những nhà lãnh đạo thân hữu hay một thể chế có sức mạnh quyền lực nào đó.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết