Ngày 11-7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã thảo luận với các đối tác khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand về những dự án mới tăng cường quan hệ hợp tác.

Các nhà lãnh đạo NATO tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập hôm 9-7 tại Washington. Ảnh: AP
Kết hợp năng lực của các nền dân chủ cùng chí hướng để giải quyết thách thức từ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên là chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay, diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) từ ngày 9 đến 11-7. Phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng NATO lần thứ nhất tổ chức bên lề hội nghị, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết những gì xảy ra ở châu Âu sẽ tác động đến Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và ngược lại. Nhận định này lặp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước, rằng các đối tác ở châu Âu và châu Á có xu hướng coi những thách thức ở bên nửa kia Trái đất có liên quan đến mình.
Là một phần trong nỗ lực phá vỡ rào cản giữa các liên minh châu Âu, châu Á và đối tác khác trên toàn cầu, ông Sullivan tại cuộc họp cho biết NATO sẽ khởi động 4 dự án chung mới với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Các dự án sẽ tập trung vào khủng hoảng Ukraine, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), vấn nạn thông tin sai lệch và an ninh mạng. Mỗi sáng kiến đều khác nhau, nhưng mục tiêu chính là khai thác sức mạnh riêng biệt của những nền dân chủ có năng lực để giải quyết thách thức chung toàn cầu.
Cũng tại cuộc họp nói trên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết thay vì một đối thủ chiến lược duy nhất như trước đây, liên minh quân sự lớn nhất thế giới hiện đương đầu với nhiều thế lực cạnh tranh có quy mô và tốc độ mở rộng năng lực sản xuất quốc phòng nhanh chóng, dẫn đầu là Trung Quốc. Trong thời điểm “then chốt” như vậy, Thứ trưởng Mỹ mô tả “kho vũ khí của nền dân chủ” ngày nay mang tính toàn cầu như một lời kêu gọi các đồng minh NATO lẫn đối tác ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương cùng hành động. Bà chỉ rõ việc hợp tác với Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc trong các dự án chung về sản xuất vũ khí, bảo dưỡng tàu thuyền và máy bay sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Ủng hộ ý kiến này, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết một phần trong những nội dung đã nhất trí giữa các bên với tư cách đồng minh là tăng cường hợp tác và điều đó cũng bao gồm nghiên cứu - sản xuất vũ khí. Với việc Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến, ý tưởng mới sẽ dựa trên việc khai thác cơ sở công nghiệp quốc phòng của họ để nhanh chóng mở rộng năng lực sản xuất. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Ðiển), Hàn Quốc và Úc lần lượt là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 10 và thứ 16 thế giới trong giai đoạn 2019-2023. Về phần mình, Nhật Bản gần đây đã thay đổi các quy định cho phép xuất khẩu vũ khí. Nước này cũng hợp tác với Anh, Ý trong các dự án phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.
Trong đánh giá chung, chuyên gia Luis Simon tại Trường Quản trị Brussels (Bỉ) cho biết quan hệ hợp tác tiềm năng nói trên là bước phát triển mới sau mối quan tâm về công nghệ đột phá mới nổi giữa các đồng minh NATO và đối tác. Hiện thực hóa ý tưởng này đại diện cho bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa NATO và các đối tác Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương “từ cấp độ chính trị, tuyên bố đến cấp độ cụ thể hơn”. Trong khi đó, nhà phân tích quân sự Jennifer Kavanagh cho rằng diễn biến này không có bất ngờ khi Mỹ và các đồng minh Á - Âu đều tìm cách đẩy nhanh tiến trình mở rộng năng lực công nghiệp quốc phòng trong bối cảnh thế giới ngày càng bất ổn.
Trước viễn cảnh NATO “xoay trục” về phía Ðông, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cáo buộc liên minh quân sự “vi phạm ranh giới, mở rộng nhiệm vụ, vượt ra ngoài vùng phòng thủ và gây xung đột”. Ðáp lại, Nhà Trắng khẳng định NATO không mở rộng sang Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương với khả năng phòng thủ và răn đe của khối quân sự này đều nằm ở châu Âu - Ðại Tây Dương. Mirna Galic, chuyên gia tại Viện Hòa bình Mỹ, cũng cho rằng quan hệ với 4 đối tác kể trên không biến NATO thành bên tham gia trực tiếp ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng nó cho phép liên minh quân sự phối hợp tốt hơn với khu vực về các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm đẩy lùi “mối đe dọa” từ Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran.
MAI QUYÊN (Theo Nikkei, AP)