11/09/2020 - 18:38

NASA muốn mua tài nguyên Mặt trăng 

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 10-9 đã công bố sáng kiến trả tiền cho các công ty khai thác khoáng sản trên Mặt trăng.

Hình ảnh chụp miệng núi lửa trên Mặt trăng năm 1969. Ảnh: theatlantic

Hình ảnh chụp miệng núi lửa trên Mặt trăng năm 1969. Ảnh: theatlantic

Cụ thể, NASA đề nghị mua số lượng khoáng sản giới hạn và yêu cầu các công ty đưa ra những đề xuất. Theo hợp đồng, công ty khai khoáng trên Mặt trăng sẽ thu thập đất đá để bán lại cho NASA nhưng không phải mang về Trái đất. Phía công ty chỉ cần gửi hình ảnh và dữ liệu cho NASA và nếu hài lòng, cơ quan này cam kết mua 50-500gr vật liệu với giá từ 15.000-25.000USD. Cuối cùng, NASA sẽ thu gom và đưa chúng về Trái đất. NASA hy vọng có được mẫu đất đá trước năm 2024, cột mốc đánh dấu 55 năm sau khi con người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng vào năm 1969. Không chỉ đất đá, cơ quan này cũng sẽ mua thêm nhiều loại vật liệu khác chẳng hạn như lớp băng được cho có thể tồn tại ở cực Nam Mặt trăng. Người đứng đầu NASA Jim Bridenstine khẳng định kế hoạch mới sẽ không vi phạm Hiệp ước Không gian năm 1967 mà Mỹ tham gia. Hiệp ước này không cho phép tuyên bố chủ quyền quốc gia đối với những thực thể ngoài không gian.

Nỗ lực trên nằm trong mục tiêu của NASA là “bật đèn xanh” cho hoạt động khai thác khoáng sản tư nhân trên Mặt trăng theo hướng có thể giúp ích cho những sứ mệnh phi hành gia trong tương lai. Bởi vậy tháng 5 vừa rồi, Washington được cho ấp ủ một hiệp ước quốc tế mới về khai thác khoáng sản trên Mặt trăng, mang tên “Thỏa thuận Artemis”. Văn kiện này sẽ cho phép các công ty có thể sở hữu tài nguyên khai thác được trên “vệ tinh tự nhiên duy nhất” của Trái đất. Ðây là yếu tố rất quan trọng để các nhà thầu NASA xử lý băng thành nhiên liệu vận hành rốc-két hoặc khai thác khoáng sản để xây dựng những bãi đáp phi thuyền.

Với Chương trình Artemis, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hướng tới mục tiêu đưa nữ phi hành gia đầu tiên và đồng nghiệp nam lên thăm “chị Hằng” vào năm 2024. Apollo-17, thực hiện vào năm 1972, đánh dấu chuyến bay cuối cùng trong sứ mệnh đổ bộ Mặt trăng của Mỹ. Giờ đây, NASA coi sứ mệnh Artemis là “bàn đạp” để thực hiện chuyến du hành có người đầu tiên đến sao Hỏa. Mặt khác, NASA cũng đang hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) trong dự án đưa các mẫu đất đá từ “Hành tinh đỏ” về Trái đất.

Thật ra, cũng có một số nước bao gồm Luxembourg tuyên bố rằng các công ty có thể sở hữu tài nguyên khai thác được từ vũ trụ. Nhưng Trung Quốc và Nga lên tiếng chỉ trích ý tưởng sử dụng các nguồn tài nguyên này. Khi NASA công bố ý tưởng “Thỏa thuận Artemis”, Dimitry Rogozin - Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) - đã ví chính sách này giống như “cuộc xâm chiếm Iraq” của Mỹ.

Trung Quốc mời gọi tham gia ILRS

Trong khi đó, Bắc Kinh đã vạch ra tầm nhìn phát triển Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS) và đang kêu gọi các đối tác tham gia. Dự án ILRS, tọa lạc tại vùng cực Nam của Mặt trăng, sẽ được xây dựng thông qua các sứ mệnh Hằng Nga của Trung Quốc trong thập niên 2020. Ðến đầu thập niên 2030, dự án sẽ được mở rộng với các sứ mệnh sử dụng robot lâu dài và có thể cả sứ mệnh có người trong ngắn hạn. Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2036-2045 là sự hiện diện lâu dài của con người tại cực Nam Mặt trăng.

Tháng rồi, ông Rogozin nói rằng Trung Quốc và Nga đã nhất trí có thể sẽ cùng xây dựng một trạm nghiên cứu Mặt trăng. Ngoài ra, ESA cũng đã có những cuộc thảo luận với Trung Quốc về dự án ILRS.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, spacenews)

Chia sẻ bài viết