20/05/2016 - 08:32

Nâng tầm đối tác

Hội nghị cấp cao lần thứ 3 giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nga, diễn ra ngày 19 và 20-5 tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi trên bờ Biển Đen của Nga, là cơ hội quý báu để hai bên hướng tới một kỷ nguyên quan hệ gần gũi hơn, thực chất, hiệu quả và năng động hơn, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.

Với khẩu hiệu "Hướng tới đối tác chiến lược vì lợi ích tốt đẹp chung", hội nghị đánh dấu kỷ niệm 20 năm ASEAN-Nga thiết lập khuôn khổ "đối tác đối thoại". Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Nga tổ chức hội nghị cấp cao với ASEAN trên lãnh thổ Nga, sau hai lần hội nghị được tổ chức tại Malaysia năm 2005 và Việt Nam năm 2010. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng trong 20 năm qua, Nga và ASEAN đã gặt hái nhiều kinh nghiệm hợp tác hiệu quả về chính trị, kinh tế và hỗ trợ nhân đạo, qua đó tạo nền tảng vững chắc giúp nâng cao cấp độ quan hệ mới lên tầm đối tác chiến lược. "Sự hợp tác ASEAN-Nga đang trở thành một nhân tố quan trọng cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương"- ông Putin nhấn mạnh.

Nga là đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN với kim ngạch đạt mức kỷ lục 21,5 tỉ USD hồi năm 2014. Không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương ASEAN-Nga, Tổng thống Putin đã bắt đầu tham vấn với các lãnh đạo Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) trong vấn đề liên kết thương mại và đầu tư với ASEAN. Trưởng nhóm kinh tế của Ngân hàng Phát triển Á-Âu Yaroslav Lissovolik cho biết, ngoài ưu tiên mở rộng hợp tác với ASEAN, Nga để ngỏ khả năng hợp tác với nhóm Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu. Ông Victor Sumsky, giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Đại học MGIMO của Nga, nêu rõ: "ASEAN và khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Nga bởi sự ổn định chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, sự hội nhập sâu rộng và hiện đại hóa".

Ở góc nhìn khác, giáo sư John Ciorciari, chuyên gia về Đông Nam Á của Đại học Michigan (Mỹ), nhận định rằng bằng cách thúc đẩy quan hệ với ASEAN, Nga đang tìm cách khôi phục lại phần nào vị thế và ảnh hưởng truyền thống của mình. "Các công ty quốc phòng Nga cũng đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, Nga lại là đối tác thích hợp cho các quốc gia ASEAN đang nỗ lực đa dạng hóa mối quan hệ với các cường quốc trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng đáng ngại"- giáo sư Ciorciari đánh giá.

Dù Nga giữ thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông, nhưng Thủ tướng Dmitry Medvedev mới đây nêu rõ quan điểm, rằng các tranh chấp trên vùng biển chiến lược này cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

KIẾN HÒA (Theo Sputnik, Tass, Xinhua, CNA, VOA, TTXVN)

Chia sẻ bài viết