TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Kể từ thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, lực lượng vũ trang Ukraine đã có nhiều tiến bộ đáng kể khi họ nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ cũng như liên minh quân sự này.

Binh sĩ Ukraine trong một buổi duyệt binh. Ảnh: Reuters
Nhiều cải cách về chiến lược, chiến thuật
Nhiều tài liệu quân sự và an ninh quốc gia Ukraine đã hé lộ những cải cách về chiến thuật, chiến lược cũng như sự đổi mới trong chính sách quốc phòng, các biện pháp chính trị, quân sự của nước này, như tăng cường tính minh bạch, chống tham nhũng, đảm bảo sự kiểm soát dân sự đối với quân đội, hiện đại hóa trang thiết bị, cải cách sự chỉ huy và tăng cường tính chuyên nghiệp hóa.
Ðơn cử, báo cáo Quốc phòng Chiến lược của Ukraine hồi năm 2016 đã phác thảo các ưu tiên để áp dụng các tiêu chuẩn của NATO. Sau đó, Chương trình Nhà nước về Phát triển Lực lượng Vũ trang giai đoạn 2017-2020 đã đưa ra các bước thực hiện. Năm 2018, Ukraine tiếp tục quá trình cải cách với sự ra đời của Luật An ninh Quốc gia, tạo ra khuôn khổ để điều phối và đơn giản hóa việc lập kế hoạch quốc phòng cũng như thực hiện quyền kiểm soát dân sự đối với quân đội.
Ðến năm 2020 và 2021, Ukraine lần lượt cho ra đời Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược An ninh Quân sự, đưa ra các mục tiêu, chính sách về an ninh và quốc phòng. Trong đó, Chiến lược An ninh Quốc gia xác định Nga là mối đe dọa lâu dài đối với an ninh quốc gia và chủ trương phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu, NATO và Mỹ.
Dành 2,5% GDP cho quốc phòng
Luật An ninh Quốc gia năm 2018 của Ukraine yêu cầu nước này chi tối thiểu 5% GDP cho an ninh, gồm 3% chi cho quốc phòng. Song, mức chi tiêu quốc phòng tính theo thực tế chỉ khoảng 2,5% GDP. Tờ USNI cho hay, ngân sách quốc phòng năm 2021 của Ukraine là 117,6 tỉ hryvnia (tương đương 4,2 tỉ USD), thấp hơn 127 triệu hryvnia so với năm 2020. Ngoài ra, ngân sách quốc phòng của Ukraine còn được bổ sung phần quỹ cần thiết để duy trì quân đội cũng như hỗ trợ chương trình cải cách đầy tham vọng của nước này.
Không những vậy, Ukraine thừa hưởng nền công nghiệp quốc phòng rực rỡ từ Liên Xô cũ, sản xuất ra nhiều loại khí tài quân sự như xe tăng, xe bọc thép, máy bay, radar, thiết bị điện tử, tên lửa và cả tàu chiến. Ðáng chú ý, Tập đoàn quốc phòng Ukroboronprom của nước này giám sát ngành công nghiệp quốc phòng, với hơn 130 công ty nhà nước. Trong những năm gần đây, giới chức Ukraine đã đưa ra nhiều cải cách đối với Ukroboronprom và tăng cường tính minh bạch các mục tiêu chính, gồm thông qua luật mới về mua sắm quốc phòng hồi tháng 7-2020 nhằm áp dụng các tiêu chuẩn của NATO.
Mặt khác, Ukraine cũng tập trung cải cách về chỉ huy và kiểm soát quân đội. Hiện Kiev yêu cầu bộ trưởng quốc phòng phải là quan chức dân sự, vốn là yêu cầu then chốt của NATO. Quân đội cũng đã chuyển sang hệ thống chỉ huy phù hợp hơn với các tiêu chuẩn của NATO.
Về nhân lực, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi đầu tháng này đã ký một sắc lệnh mà theo đó quân đội Ukraine sẽ mở rộng thêm 100.000 quân trong vòng 3 năm nữa và đưa ra một số cải cách về tiền lương cho binh sĩ. Quân đội Ukraine cũng được huấn luyện và trang bị tốt hơn so với năm 2014. Ngoài lực lượng chính quy, Ukraine còn có các đơn vị tình nguyện bảo vệ lãnh thổ và khoảng 900.000 quân
dự bị.
Ukraine cũng sở hữu hệ thống tên lửa Javelin do Mỹ cung cấp được cho sẽ giúp làm chậm bước tiến của Nga, máy bay chiến đấu không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, 2.000 tên lửa tầm ngắn của Anh, tên lửa Stinger do Latva và Litva cung cấp (với sự đồng ý của Mỹ). Hơn thế nữa, các binh sĩ Ukraine đều đã tích lũy được kinh nghiệm từ cuộc xung đột trong vùng Donbass, nơi mà từ hơn 7 năm qua Ukraine đã phải chiến đấu với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn. Ðặc biệt, hầu hết nam giới Ukraine trưởng thành đều được huấn luyện cơ bản về quân sự. Vì vậy, Nga có thể sẽ phải đối mặt với sự phản kháng dai dẳng nếu tấn công Ukraine.
Sức mạnh và lợi thế của Nga
Hiện tại, lực lượng vũ trang Ukraine chỉ có khoảng 250.000 người, ít hơn đáng kể so với quân đội 900.000 người của Nga. Bên cạnh đó, Nga sở hữu 2.840 xe tăng chiến đấu, nhiều gấp 3 lần so với Ukraine. Chi tiêu quân sự của Nga năm 2020 cũng hơn gấp 10 lần, đạt 61,7 tỉ USD. Nga được cho đang triển khai khoảng 100.000 quân ở biên giới phía Bắc, Ðông và Nam Ukraine, cùng hàng ngàn binh sĩ ở Belarus (phía Bắc Ukraine) để tham gia tập trận.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lợi thế then chốt của Nga chính là năng lực trên không. Samir Puri, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, cho rằng sức mạnh thật sự của Nga không phải là số lượng binh sĩ được huy động ở biên giới, mà là khả năng triển khai nhanh của hỏa lực trên không và tên lửa đạn đạo. Quân đội Nga cũng đang ở trạng thái sẵn sàng "xung trận" cao hơn Ukraine do họ đã được huy động từ tháng 11 năm ngoái. Nga còn nhận được sự hậu thuẫn của lực lượng ly khai ở vùng Luhansk và Donetsk thuộc miền Ðông Ukraine. Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin có lợi thế về mặt chính trị khi có sự đồng lòng trong quốc hội và dân chúng, trong khi hệ thống chính trị ở Ukraine bị chia rẽ khi đối đầu với Nga.
Ukraine liên tiếp tập trận
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov thông báo các lực lượng vũ trang nước này tiến hành tập trận quân sự với sự tham gia của máy bay tàng hình tấn công Bayraktar và các tên lửa chống tăng Javelin từ ngày 10 đến 20-2. Ông Reznikov cũng xác nhận Ukraine đang tiếp nhận vũ khí từ nhiều nước.
Trước đó, hôm 4-2, quân đội Ukraine đã huấn luyện tại căn cứ quân sự Yavoriv ở miền Tây nước này với tên lửa chống tăng, bệ phóng và khí tài quân sự khác do Mỹ chuyển giao. Số vũ khí trên nằm trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 200 triệu USD mà Washington mới đây dành cho Kiev.
|