Sở Y tế TP Cần Thơ vừa khảo sát cơ sở cung cấp dịch vụ kính thuốc, kính mát trên địa bàn thành phố. Ðây là đợt khảo sát với quy mô lớn nhất. Kết quả khảo sát cho thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết để dịch vụ khúc xạ đạt chất lượng tốt.

Khảo sát tại các cơ sở dịch vụ kính thuốc, kính mát. Ảnh: CTV
TP Cần Thơ có khoảng 77 cơ sở kính mát, kính thuốc đang hoạt động; trong đó quận Ninh Kiều có 39 cơ sở, chiếm gần 55% tổng số cơ sở. Qua khảo sát, ghi nhận có 70 cơ sở có giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp, 17 cơ sở có giấy phép hoạt động do Sở Y tế cấp, 17 cơ sở có cả 2 loại giấy phép do Sở Y tế và UBND quận, huyện cấp. Trong các cơ sở khảo sát, có 13 cơ sở chỉ bán kính mát, kính thời trang; 3 cơ sở bán kính theo đơn, không có bộ phận đo kính; 55 cơ sở có dịch vụ đo độ khúc xạ, bán kính thuốc, kính thời trang.
BS Hoàng Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt TP Cần Thơ, cho biết: Ðây là khảo sát quy mô, có giá trị rất lớn. Qua đó thấy được thực trạng của các cơ sở cung cấp dịch vụ kính trên địa bàn thành phố. Nhiều cơ sở thiếu giấy phép của Sở Y tế cấp, thiếu kỹ thuật viên khúc xạ, kỹ thuật viên mài lắp kính... Trong thực tế, nếu chỉ đo khúc xạ bằng máy rồi cắt kính, không chính xác. Từ việc đeo kính sai, dẫn đến nguy cơ đeo kính suốt đời. Vì thế, bên cạnh việc đào tạo, cần ban hành quy trình khám dịch vụ khúc xạ với quy chuẩn đo kính. Hiện phần lớn các cơ sở đều có nhu cầu về đào tạo kỹ thuật viên mài lắp, kỹ năng bán hàng, kỹ năng quản lý dịch vụ.
Ông Lê Quang Trầm Tĩnh, Giám đốc Chương trình - Tổ chức The Fred Hollows Foundation (FHF), cho biết: Khảo sát chất lượng dịch vụ khúc xạ toàn quốc vào năm 2018 cho thấy, 60% quầy kính cung cấp kính thuốc không đạt chuẩn chất lượng; chỉ có 20% các cửa hàng kính thuốc có nhân viên đủ tiêu chuẩn bán kính theo đơn. Nhiều học sinh đang đeo kính nhìn không rõ, nhiều em phải đi xa để cắt kính... Từ thực tế đó, FHF triển khai dự án “Nâng cao chất lượng dịch vụ khúc xạ tại Việt Nam” tại 5 tỉnh, thành: Thái Bình, Ðà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và Vĩnh Long. Kinh phí dự án hơn 29,45 tỉ đồng.
Tại TP Cần Thơ, Dự án của FHF triển khai từ tháng 11-2023 đến tháng 6-2028. Ðịa điểm thực hiện tại BV Mắt - Răng Hàm Mặt, 3 cơ sở kính thuốc (Phạm Sĩ, Hoa Mạnh, Anh Phương) và tất cả các cơ sở kính mắt trên địa bàn thành phố, với tổng kinh phí hơn 4,27 tỉ đồng, viện trợ không hoàn lại. Dự án hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ khúc xạ và kính thuốc, tăng cường tiếp cận của người dân với dịch vụ kính thuốc tiêu chuẩn, góp phần mô hình hóa để nhân rộng tại TP Cần Thơ và các địa phương toàn quốc.
Bà Thái Thị Song An, cán bộ dự án FHF tại Việt Nam, cho biết: Các hoạt động của dự án gồm: đào tạo, cung cấp thiết bị khúc xạ cho cơ sở dịch vụ kính thuốc thí điểm; tham quan cơ sở dịch vụ kính thuốc nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh; hỗ trợ quầy kính thí điểm phát triển đạt cơ sở dịch vụ kính thuốc tiêu chuẩn. Qua khảo sát các cơ sở kính thuốc trong thành phố, dự án cũng sử dụng kinh phí còn dư để cung cấp thiết bị cho 3 quầy kính thí điểm cũng như tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn cập nhật kiến thức khúc xạ cho các cơ sở dịch vụ kính thuốc... Ðặc biệt, dự án còn tổ chức khám 5.600 học sinh và 5.400 người khuyết tật, cao tuổi, công nhân nhà máy được sàng lọc tật khúc xạ, trong nhóm này 1.000 người được cấp kính miễn phí.
H.HOA