 |
Giáo viên Trường Mẫu giáo Thạnh Quới chú trọng lồng ghép giáo dục học sinh làm theo gương Bác trong những việc làm hàng ngày. |
Bằng giọng nói ngọt ngào, lời lẽ ngắn gọn, dễ hiểu, bài học về tiết kiệm nước của cô Nguyễn Thị Bích Ly, Trường Mẫu giáo Thạnh Quới (xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh) được các cháu nhỏ nắm bắt nhanh chóng. Rồi các bé vừa hát, vừa rửa tay theo lời cô dạy. Điều dễ dàng nhận thấy là em nào cũng ý thức được việc làm tuy nhỏ nhưng hiệu quả thiết thực: vặn nước vừa phải, lúc chà xà bông thì khóa nước. Cô Nguyễn Thị Bích Ly, cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp đều lồng ghép các hình thức học theo tấm gương Bác vào các bài dạy. Việc to lớn học theo Bác Hồ có lẽ các em chưa nhận thức được, nhưng nói về tiết kiệm, sự yêu thương bạn bè trong đời sống thì em nào cũng làm được”.
Theo cô Bích Ly, những buổi dạy của chị đều có một câu chuyện về tấm gương Bác. Những câu chuyện ngắn, giản dị, dễ nhớ đã in sâu vào ký ức của nhiều em dưới mái trường này. “Tôi luôn tìm mọi cách để giúp trẻ tiếp thu dễ dàng những ấn tượng đầu tiên về Bác thông qua các bài thơ, bài hát
Tôi nghĩ đó là cách học tập tấm gương của Bác hiệu quả nhất” - cô Ly chia sẻ. 5 năm công tác ở trường, cô Bích Ly không ngừng học tập và rèn luyện để đáp ứng yêu cầu công tác. Từ năm 2008 đến nay, cô đã có 3 sáng kiến kinh nghiệm được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Vĩnh Thạnh công nhận. Trong đó, sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp giúp trẻ tiết kiệm năng lượng hiệu quả” đã được áp dụng rộng rãi ở trường, góp phần nâng cao nhận thức của học sinh về tiết kiệm điện, nước. Cô Ly chia sẻ: “Tôi tâm đắc ở tính tiết kiệm, sự giản dị của Bác. Vì vậy, tôi cùng các đồng nghiệp đẩy mạnh các hoạt động dạy và học ở trường theo tinh thần “thực tế với điều kiện của trường”.”
“Hầu hết giáo viên trong trường đều tận tụy với nghề, luôn tìm tòi cái mới để thu hút học sinh” - cô Lê Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thạnh Quới, khẳng định. Theo cô Cúc, nhằm nâng cao chất lượng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, hàng năm, Ban Giám hiệu trường phối hợp với Công đoàn tổ chức cho giáo viên đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác và đều có tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Cô Cúc cho biết: “Trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác, chúng tôi đặc biệt chú trọng việc xây dựng khối đoàn kết nội bộ. Bởi có đoàn kết, các cá nhân mới thân thiết với nhau, chia sẻ trách nhiệm, chủ động phối hợp cùng hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn...”.
Do điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, các giáo viên ở Trường Mẫu giáo Thạnh Quới nêu cao tinh thần vượt khó theo gương Bác. Để tiết kiệm chi phí, các giáo viên tự trang trí khuôn viên trường, tự làm đồ dùng dạy học... Cô Cúc cho biết: “Để đẩy mạnh phong trào, chúng tôi đều có khen thưởng, khích lệ những cá nhân, tập thể thực hiện tốt. Các cá nhân, tập thể chưa đạt thì đưa ra rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời trên tinh thần xây dựng và tiếp thu để sửa chữa
”. Vượt khó đến trường cũng là điều đáng quý ở đội ngũ giáo viên nơi đây. Hiện nay, Trường Mẫu giáo Thạnh Quới có 43 giáo viên thì hơn một nửa có nhà ở khá xa trường. Nhiều cô nhà cách trường 20 - 30 km vẫn bám trường, bám lớp nhiều năm liền. Cô Cúc tâm sự: “Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã tạo cho chúng tôi sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Đó không chỉ là sự phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn hoàn thiện đạo đức của mỗi cá nhân trong sự nghiệp “trồng người”
”.
Nhiều năm qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn được cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh hưởng ứng tích cực. Cô Trần Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: “Các nội dung học tập hàng năm của trường đều được Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn thanh niên
thông qua trước khi đưa ra Hội đồng sư phạm. Vì vậy, mọi người đều nhất trí và thực hiện nghiêm túc, nhiệt tình. Đối với mỗi cá nhân, chúng tôi chỉ yêu cầu đăng ký học tập một nội dung cụ thể và thể hiện được tính hiệu quả qua từng năm học”. Từ đó, các giáo viên đều thể hiện việc học tập và làm theo tấm gương của Bác bằng những việc cụ thể, như: học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh các sáng kiến để nâng cao chất lượng dạy và học... Cô Đinh Triệu Kha Mai - giáo viên ngữ văn của trường, bộc bạch: “Được sự động viên, hỗ trợ của Ban Giám hiệu, tôi quyết tâm phấn đấu hoàn thành chương trình liên thông tại Trường Đại học Cần Thơ. Vừa học vừa làm rất vất vả, nhưng tôi nghĩ học và làm theo gương Bác không có gì xa vời mà chính là sự nỗ lực vượt khó trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi người
”.
Hiện nay, Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh có nhiều phần việc học tập theo tấm gương Bác rất thiết thực, như: giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kèm cặp học sinh yếu
78 giáo viên của trường đều nhận đỡ đầu cho học sinh. Bên cạnh đó, các giáo viên dạy các bộ môn Văn, Toán, Anh văn cũng có những biện pháp giúp học sinh yếu kém. Đối với những học sinh này, ngoài các tiết học ở lớp, giáo viên dành thời gian để dạy thêm cho các em ngoài giờ. Cô Tuyết cho biết: “ Bên cạnh không ngừng nỗ lực để nâng cao trình độ, chuyên môn, mỗi giáo viên còn có trách nhiệm vận dụng chuyên môn để giúp đỡ học sinh. Có yêu thương thì mới nhiệt tình giúp đỡ học sinh tiến bộ. Có như vậy, việc học tập mới thật sự gắn liền với công tác chuyên môn của mỗi cá nhân”.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT, Chủ tịch Công đoàn Ngành GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh: Công đoàn ngành GD&ĐT huyện luôn chú trọng triển khai, hướng dẫn các công đoàn cơ sở trực thuộc phát động trong công đoàn viên tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, thường xuyên chỉ đạo các công đoàn cơ sở có kế hoạch triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong sinh hoạt công đoàn hàng tháng; phối hợp với hiệu trưởng thống nhất kế hoạch thực hiện tuyên truyền trong các kỳ họp Hội đồng sư phạm
Đồng thời, gắn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với các phong trào thi đua lớn của ngành là “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Kỷ cương - tình thương và trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực...”. Ông Nguyễn Văn Dũng phấn khởi cho biết: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã từng bước góp phần hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công đoàn viên theo kế hoạch đề ra. Từng cá nhân đều thể hiện rõ ý thức trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, phát huy vai trò nêu gương trong công tác dạy và học hàng năm”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dũng, việc đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo gương Bác trong ngành giáo dục huyện vẫn còn những hạn chế, khó khăn như: Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có thực hiện nhưng chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra; gương điển hình người tốt, việc tốt còn ít; một vài đơn vị chưa chủ động, còn chờ sự chỉ đạo của cấp trên
Thời gian tới, Công đoàn GD&ĐT huyện sẽ tập trung đẩy mạnh việc “làm theo” gương Bác, trước hết là xác định rõ trách nhiệm gương mẫu của Ban Giám hiệu, cán bộ công đoàn trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức
Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học trong toàn ngành giáo dục huyện.
Bài, ảnh: PHẠM TRUNG